Như Cố là xã thuần nông của tỉnh Bắc Kạn, có hơn 4.500 ha đất tự nhiên, trong đó có trên 3.600 ha đất lâm nghiệp. Với tiềm năng đất đai, khí hậu thuận lợi cho phát triển cây chè và cây keo, xã đã tập trung phát triển các cây trồng này thành hàng hóa mũi nhọn của địa phương.
Gia tăng hàm lượng kỹ thuật
Ứng dụng khoa học - công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp là một xu hướng tất yếu nhằm từng bước giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người nông dân.
![]() |
Như Cố đang đẩy mạnh khoa học - công nghệ vào sản xuất chè VietGAP (Ảnh TL). |
Với xã Như Cố, chè là một trong những loại cây trồng chủ lực, vì vậy việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất chè lại càng mang nhiều ý nghĩa, được các ban ngành chức năng đặc biệt quan tâm.
Hiện, xã đã xây dựng thành công vùng sản xuất chè VietGAP theo hướng hàng hóa, quy mô lớn ở các thôn Khuổi Chủ, Khuân Bang, Nà Tào, Nà Roòng, Nà Chào... Tổng diện tích chè toàn xã hiện đạt xấp xỉ 200 ha.
Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng thu nhập bền vững cho các hộ sản xuất, xã đã thành lập 4 Tổ hợp tác sản xuất, thu hái, chế biến, tiêu thụ chè ở các vùng trồng chè quy mô lớn. Sự ra đời của các Tổ hợp tác là điểm tựa để người dân trong xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Đơn cử, tại Tổ hợp tác chè VietGAP thôn Nà Tào, anh Đinh Văn Tuấn đang đầu tư hàng chục triệu đồng để xây dựng hệ thống nhà lưới bằng vật liệu tre, nứa thân thiện môi trường.
Theo anh Tuấn, việc xây dựng nhà lưới giúp giữ nhiệt nên cây chè có thể cho thêm được 2 lứa vụ đông. Đây là vụ có ít chè thành phẩm nên giá bán tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi so với chính vụ. Mặt khác, việc che phủ còn giúp hạn chế một số loại sâu bệnh, công chăm sóc và tưới nước cũng ít hơn.
Trong quá trình canh tác, các thành viên Tổ hợp tác Nà Tào cũng ứng dụng nhiều loại máy móc, như hệ thống tưới nước tự động, tiết kiệm nước. Khi thu hoạch, các hộ sử dụng máy cắt, máy sơ chế hiện đại. Hay trong khâu sao chè, Tổ hợp tác cũng dùng máy sao có công suất cao, đảm bảo độ thơm ngon của từng sợi chè...
"Trong việc tưới nước, tôi đã lắp đặt máy tưới tự động tới từng luống chè, lập trình cứ 4 tiếng máy sẽ tưới 1 lần (có thể điều chỉnh tùy vào thời tiết), đảm bảo độ ẩm cho chè phát triển, đồng thời giảm công lao động", anh Tuấn cho hay.
Cùng với cây chè, Như Cố còn phát triển mạnh trồng rừng nguyên liệu. Hiện toàn xã có hơn 1.000ha rừng keo. Nhiều hộ có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng rừng.
Thời gian qua, để thích ứng với nhu cầu thị trường, nhiều hộ dân, đơn vị sản xuất đã chủ động ứng dụng công nghệ, kỹ thuật để tăng hàm lượng chế biến, thay vì xuất thô.
Cụ thể, trên địa bàn xã đã có gần 10 xưởng gỗ bóc, xưởng gỗ băm hoạt động liên tục, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương, bình quân thu nhập mỗi lao động từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Hiệu quả kinh tế từ trồng rừng mang lại đã giúp người dân nơi đây nâng cao mức thu nhập. Có hộ đầu tư hàng trăm triệu đồng làm đường lâm nghiệp và mua sắm máy móc, phương tiện sản xuất giá trị cao.
Liên kết phát triển bền vững
Cùng với thế mạnh về cây chè và trồng rừng, xã Như Cố cũng đang gây ấn tượng với phong trào thanh niên khởi nghiệp. Điển hình là HTX thanh niên Như Cố, hiện có 15 thành viên chính thức, tổng diện tích đất sản xuất đạt gần 8 ha.
![]() |
HTX thanh niên Như Cố đang là điển hình khởi nghiệp bền vững ở Như Cố (Ảnh TL). |
Ngoài sản xuất, kinh doanh rau an toàn, HTX mở rộng sang chế biến chè và chăn nuôi lợn. Đồng thời, mạnh dạn thử nghiệm trồng các loại dưa hấu, dưa lê, dưa chuột và mới đây là cây thanh long ruột đỏ… được thị trường tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Để mở rộng vùng nguyên liệu, HTX chủ động liên kết với người dân qua phương thức HTX hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao hàm lượng khoa học – công nghệ, bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Chính nhờ mối liên kết trong sản xuất đã giúp cho những sản phẩm của HTX duy trì ổn định chất lượng theo đúng quy định an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay, tất cả những sản phẩm do HTX cung cấp ra thị trường đều có nhãn mác, mã số, mã vạch do cơ quan chức năng cấp.
Theo anh Lê Đình Hùng, Giám đốc HTX, không chỉ làm tốt khâu sản xuất, phân phối sản phẩm theo hướng truyền thống, đơn vị còn đi đầu trong ứng dụng công nghệ khi xây dựng website riêng có đăng ký sàn giao dịch thương mại điện tử toàn cầu.
Đặc biệt, hệ thống bán hàng trực tuyến, quảng cáo thương hiệu, đã và đang được xem là những thành công của những thành viên - thanh niên trẻ Như Cố trên con đường lập thân, lập nghiệp.
Với những thành công đang có, xã Như Cố sẽ tiếp tục tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hàng hóa, tăng cường đưa giống mới, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Quan tâm việc liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để sản xuất phát triển bền vững…
Nhật Minh