Trong hành trình số hóa nhanh và bền vững, các HTX, tổ hợp tác chính là những “đầu tàu” đổi mới, mở đường cho sản xuất nông nghiệp hiện đại, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn hộ dân.
Mở cửa thị trường
Ở xã Tân Quang, HTX Lục Ngạn Xanh đang trở thành một trong những điển hình trong sản xuất xanh khi triển khai mô hình trồng na Đài Loan theo hướng hữu cơ, ứng dụng khoa học công nghệ.
Không còn hình ảnh những người nông dân lom khom tỉa cành hay tưới nước bằng can nhựa, thay vào đó là các hệ thống tưới nhỏ giọt chạy tự động theo giờ, cảm biến đo độ ẩm đất và quy trình chăm sóc được ghi chép bằng... smartphone.
![]() |
Thay đổi phương thức sản xuất giúp nông dân Lục Ngạn ngày càng giàu lên. |
Anh Nguyễn Văn Minh – Giám đốc HTX Lục Ngạn Xanh – chỉ tay về vườn na xanh rì, quả to đều, cho biết: “Chúng tôi bắt đầu chuyển đổi từ năm 2021. Ban đầu khó khăn lắm, vì bà con chưa quen với kỹ thuật mới. Nhưng khi thấy na sạch, ít sâu bệnh, bán được giá cao, ai cũng hào hứng tham gia”.
Đến nay, sau hơn 4 năm nỗ lực không biết mệt mỏi, HTX Lục Ngạn Xanh đã có gần 3 ha trồng na theo tiêu chuẩn hữu cơ, mỗi năm tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động, chủ yếu là phụ nữ và thanh niên địa phương.
Na của HTX hiện đã có mã QR truy xuất nguồn gốc, đóng gói bao bì chuyên nghiệp, được tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Phòng và một phần xuất khẩu sang Trung Quốc. Việc đưa công nghệ vào từng khâu sản xuất giúp giảm chi phí nhân công, tiết kiệm nước và phân bón, nhưng giá trị sản phẩm lại tăng lên gấp đôi.
Nếu ở Tân Quang có HTX Lục Ngạn Xanh thì ở xã Bình Nguyên có HTX Nông sản sạch Bình Nguyên đang triển khai phương thức “lên đời” nông sản rất đặc biệt. Hoạt động trên vùng trọng điểm cam, bưởi, vải thiều của Lục Ngạn, những năm trước, khi vào mùa thu hoạch, người dân phải ra chợ, vào từng đại lý, thương lái ép giá từng đồng. Nhưng nay, chỉ cần một cú click chuột, vải thiều của HTX đã có thể đến tay người tiêu dùng ở TP.HCM, Đà Nẵng hay thậm chí là Trung Quốc, Singapore...
“Hộ chiếu xanh” cho nông sản
Chị Phạm Thị Hạnh – Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX – nhớ lại: “Năm 2021, chúng tôi bắt đầu đưa sản phẩm lên sàn Postmart và Voso. Ban đầu cũng bỡ ngỡ lắm, vì nông dân quen bán bằng miệng, ít ai dùng máy tính. Nhưng sau khi được cơ quan chức năng hỗ trợ, giờ 100% thành viên HTX đã thành thạo các thao tác đăng bài, chốt đơn, giao hàng...”.
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học công nghệ, trong những năm qua bình quân mỗi mùa vụ, HTX có thể tiêu thụ hàng chục tấn vải, giá bán trên sàn cao hơn thị trường từ 5.000–10.000 đồng/kg.
Đặc biệt, mô hình đã tạo việc làm thời vụ cho hơn 50 lao động địa phương làm công việc đóng gói, dán tem, vận chuyển. Các hộ thành viên cũng được tập huấn về marketing số, livestream bán hàng, chụp ảnh sản phẩm… Đây cũng là điểm tựa để HTX hướng tới vụ mùa năm 2025 này thành công hơn.
Không chỉ trái cây, sản phẩm truyền thống của Lục Ngạn như mỳ gạo, bánh đa cũng đang được “số hóa”, trong đó việc các HTX, hộ sản xuất chủ động gắn mã QR truy xuất nguồn gốc được ví như “tấm hộ chiếu xanh” cho nông sản.
![]() |
Nông sản được gắn mã QR giống như có "hộ chiếu xanh" mở cửa thị trường. |
Điển hình như tại xã Trù Hựu, HTX sản xuất và kinh doanh mỳ Trại Lâm Thuận Hương là một trong những đơn vị đầu tiên gắn mã QR lên từng gói mỳ, qua đó nâng cao độ nhận diện, uy tín trên thị trường.
“Chúng tôi đầu tư hệ thống mã hóa thông tin, từ nguyên liệu, quá trình sản xuất đến ngày đóng gói, đều được ghi lại đầy đủ. Người tiêu dùng chỉ cần dùng điện thoại quét mã là biết ngay sản phẩm làm ở đâu, khi nào, do ai sản xuất. Việc này giúp nâng cao uy tín và mở rộng thị trường”, chị Nguyễn Thị Thu Hương – Giám đốc HTX – hào hứng chia sẻ.
HTX hiện có hơn 20 hộ tham gia, sản xuất đều tay 1,5 tấn mỳ/ngày, cung cấp cho nhiều siêu thị và cửa hàng thực phẩm sạch trong tỉnh và lân cận. Mỗi năm tạo việc làm ổn định cho 25 lao động với thu nhập trung bình 6–7 triệu đồng/tháng.
Một điều đáng chú ý là quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở huyện Lục Ngạn không chỉ là việc đưa thiết bị vào sản xuất, mà quan trọng hơn là thay đổi tư duy của người dân. Nhờ sự đồng hành của các HTX, hàng ngàn nông dân đã tiếp cận được kỹ thuật mới, tiêu chuẩn hóa quy trình, từng bước tham gia vào chuỗi giá trị bền vững.
Mở ra hướng đi bền vững
Hiện toàn huyện Lục Ngạn có hơn 120 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 40 đơn vị đã áp dụng chuyển đổi số ở các mức độ khác nhau. Các HTX này không chỉ tạo công ăn việc làm, mà còn là nơi đào tạo kỹ năng mới, từ sử dụng phần mềm quản lý trang trại đến chụp ảnh sản phẩm, xây dựng thương hiệu...
Được biết, thời gian qua, để mở đường cho các HTX phát triển, Liên minh HTX Việt Nam đã triển khai Đề án “Hỗ trợ phát triển mô hình HTX ứng dụng công nghệ 4.0” tại Bắc Giang, trong đó có HTX Lục Ngạn Xanh. Các HTX tham gia được tập huấn, hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý, xây dựng sản phẩm chất lượng và tiếp cận thị trường hiệu quả.
Ngoài ra, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang và Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2024–2030, đặt mục tiêu thành lập mới 70 HTX và 210 tổ hợp tác, hỗ trợ ít nhất 8.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, hướng dẫn 60% HTX nông nghiệp tham gia liên kết sản xuất, kinh doanh với doanh nghiệp.
Có thể nói, với sự hỗ trợ toàn diện từ Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang và các cơ quan chức năng, các HTX tại Lục Ngạn đang từng bước khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế hợp tác, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống cho người dân địa phương.
Theo định hướng đến năm 2030, huyện Lục Ngạn sẽ tiếp tục mở rộng mô hình nông nghiệp số, kết nối HTX với các sàn thương mại điện tử quốc tế, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc. Đồng thời, tăng cường đào tạo nhân lực trẻ, xây dựng trung tâm hỗ trợ chuyển đổi số tại địa phương.
Từ những vườn na trên sườn đồi đến gói mỳ truyền thống trong các siêu thị, hành trình chuyển đổi số tại Lục Ngạn đã, đang và sẽ viết tiếp câu chuyện mới cho nông nghiệp địa phương. Những HTX tiên phong – không chỉ mang lại giá trị kinh tế – mà còn truyền cảm hứng về một nền nông nghiệp hiện đại, công nghệ cao và nhân văn. Đó là sự chuyển mình đầy bản lĩnh của người nông dân Bắc Giang trong kỷ nguyên số.
Đông Phong