Trong những năm gần đây, tỉnh Tuyên Quang đã có những bước tiến vững chắc trong việc đưa chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Chuyển đổi số trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện của chính quyền mà đã thực sự lan tỏa đến từng hộ dân, từng HTX.
Dấn thân làm nông nghiệp số
Xã Thái Long là một trong những điểm sáng về chuyển đổi số trong nông nghiệp tại TP. Tuyên Quang, với hàng loạt mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiệu quả.
Anh Nguyễn Văn Huy, chủ trang trại trồng dưa lưới và rau thủy canh công nghệ Israel tại Thái Long, cho hay ban đầu gia đình anh chỉ canh tác rau màu thông thường, hiệu quả không cao.
Sau này, khi được tiếp cận các lớp tập huấn của cán bộ nông nghiệp tỉnh và được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, anh Huy quyết định đầu tư hệ thống nhà kính, tưới nhỏ giọt tự động, điều khiển qua điện thoại thông minh.
![]() |
Ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa giúp nông dân, HTX ở Tuyên Quang làm giàu. |
“Đến nay, trang trại rau công nghệ cao của tôi phát triển ổn định, cho năng suất cao, mỗi năm mang lại doanh thu hơn 1,5 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với thu nhập ổn định”, anh Huy hồ hởi nói
Không riêng gì anh Huy, nhiều nông dân trẻ ở Tuyên Quang đang mạnh dạn tiếp cận công nghệ, dấn thân vào con đường nông nghiệp số. Điển hình như câu chuyện của chị Lê Thị Nguyệt (xã Vĩnh Lợi, huyện Sơn Dương) với mô hình nuôi gà thảo dược kết hợp livestream bán hàng trên TikTok, Facebook.
Nhờ biết tận dụng công nghệ, mỗi tháng trang trại chăn nuôi của chị Nguyệt bán ra thị trường gần 5.000 con gà, doanh thu đạt gần 400 triệu đồng, tạo việc làm cho hơn 10 phụ nữ nông thôn.
Cùng với sự vươn lên của các hộ nông dân, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn Tuyên Quang cũng đang đóng vai trò nòng cốt trong quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Đặc biệt, nhiều HTX đã chuyển mình mạnh mẽ từ mô hình truyền thống sang mô hình ứng dụng công nghệ cao, nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Động lực của chuyển đổi số
HTX Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (xã Lang Quán, huyện Yên Sơn) là một trong những đơn vị đi đầu trong chuyển đổi số, đóng góp tích cực vào quá trình tạo việc làm cho người dân, phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Với diện tích gần 20 ha trồng bưởi, cam, chuối, HTX Tiến Thành đã đầu tư hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt, sử dụng máy bay không người lái để phun thuốc bảo vệ thực vật, và đặc biệt là ứng dụng phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua QR code. Sản phẩm của HTX hiện đã có mặt trên các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso và nhiều siêu thị lớn tại Hà Nội.
Doanh thu của HTX hiện đạt hơn 6 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 25 lao động với mức lương bình quân trên 6 triệu đồng/tháng. Việc áp dụng công nghệ giúp HTX kiểm soát chất lượng tốt hơn, tiết kiệm chi phí, đồng thời xây dựng thương hiệu nông sản an toàn, hữu cơ của Tuyên Quang.
![]() |
Nông nghiệp công nghệ cao là định hướng được tỉnh Tuyên Quang tiếp tục đẩy mạnh. |
Không chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh còn mở rộng sang chế biến sâu, gia tăng giá trị sản phẩm. Điển hình như HTX Nông nghiệp Trường Xuân (huyện Chiêm Hóa) với mô hình sản xuất chè hữu cơ là một minh chứng.
Thay vì chỉ bán chè nguyên liệu, HTX Trường Xuân đã đầu tư dây chuyền sao chè, đóng gói chân không, tem truy xuất, thiết kế bao bì đẹp mắt và đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử. Doanh thu năm 2024 của HTX đạt hơn 4,2 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với thời điểm chưa chuyển đổi số.
Theo thống kê, toàn tỉnh Tuyên Quang hiện có hơn 460 HTX nông nghiệp, trong đó khoảng 20% đã và đang ứng dụng công nghệ số vào sản xuất.
Đại diện ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang cho biết mục tiêu trong năm 2025, ít nhất 50% HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng các nền tảng công nghệ như phần mềm quản lý sản xuất, truy xuất nguồn gốc, kết nối thương mại điện tử và xây dựng vùng nguyên liệu đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP…
Hóa giải thách thức để vươn tầm
Một điểm dễ thấy trong những năm qua là Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX tại Tuyên Quang. Những hoạt động này không chỉ giúp các HTX nâng cao năng lực sản xuất, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng thị trường và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX tỉnh đã tổ chức các chương trình tư vấn, hỗ trợ thành lập mới hàng chục HTX từ năm 2021 đến nay; Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức hội nghị kết nối cung - cầu tiêu thụ sản phẩm và lễ ký kết hợp đồng đại lý bao tiêu sản phẩm cho 26 HTX, tổ hợp tác với 1 HTX phân phối, bán lẻ…
Trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Khuyến công hỗ trợ kinh phí tư vấn thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm cho 2 HTX là HTX chăn nuôi ong Phong Thổ, TP Tuyên Quang và HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hùng Hậu (Yên Sơn) với tổng số tiền 60 triệu đồng.
Những chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao năng lực sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng thu nhập cho các thành viên HTX và nông dân liên kết trên địa bàn tỉnh.
Những kết quả là rất tích cực, tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp ở Tuyên Quang vẫn đối mặt không ít khó khăn. Đa số nông dân còn hạn chế về trình độ công nghệ, hạ tầng số ở một số vùng sâu vùng xa chưa đồng bộ. Nhiều HTX thiếu vốn để đầu tư hệ thống công nghệ bài bản, chưa có nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin.
Để tháo gỡ, tỉnh Tuyên Quang đang đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ: từ tổ chức tập huấn, tư vấn mô hình, hỗ trợ thiết bị công nghệ, cho đến liên kết với các doanh nghiệp công nghệ để đưa giải pháp số về với từng hộ sản xuất. Đồng thời, tỉnh cũng tích cực vận động các tổ chức tín dụng, ngân hàng địa phương xây dựng gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho nông nghiệp công nghệ cao.
Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự chủ động học hỏi của người dân, sự phát triển mạnh mẽ của các HTX tiên phong, Tuyên Quang đang từng bước hiện thực hóa khát vọng xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại, giàu bản sắc và đủ sức cạnh tranh trong thời kỳ hội nhập.
An Chi