Với truyền thống nhiều đời gắn bó với nghề dệt thổ cẩm, bà Neang Samon, người dân tộc Khmer ở làng dệt thổ cẩm thuộc ấp Srây Skốth, xã Văn Giáo (huyện Tịnh Biên) đã gắn bó với khung dệt trên 30 năm.
Hồi sinh làng nghề
Do vậy tất cả các khâu từ quay tơ, nhuộm chỉ, dệt vải bà đều nằm lòng. Những ngày này, bà thường bắt đầu dệt từ sáng sớm đến tận tối. Trung bình 10 ngày, bà có thể dệt 3 mét vải thổ cẩm.
Ở ngôi làng này, những người phụ nữ Khmer lớn tuổi với kinh nghiệm dệt thổ cẩm đang là người truyền lửa và duy trì nghề truyền thống cho các thế hệ sau nhằm tránh nguy cơ làng nghề bị mai một.
![]() |
Khôi phục nghề dệt thổ cẩm truyền thống giúp giảm nghèo cho bà con Khmer ở ấp Srây Skốth thuộc xã Văn Giáo. |
Như trường hợp chị Neáng Nhây là một nghệ nhân dệt thổ cẩm có tay nghề ở ấp Srây Skốth nhiều năm nay, đã tích cực vận động bà con Khmer trong làng cố gắng giữ nghề và truyền nghề cho thế hệ trẻ.
Riêng bản thân chị đã dành nhiều thời gian và tâm huyết của mình để truyền nghề cho 3 người con gái, đồng thời động viên nhiều chị em khác ra sức vực dậy phục hồi làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Nhờ những nghệ nhân lớn tuổi với kinh nghiệm dệt thổ cẩm đã “truyền lửa” cho thế hệ trẻ, giúp cho ấp Srây Skốt nói riêng và xã Văn Giáo nói chung hồi sinh được làng nghề truyền thống sau thời gian dài bị chìm lắng.
Theo thống kê thì xã Văn Giáo (một xã có đông đồng bào Khmer của huyện Tịnh Biên, có 1.431 hộ đồng bào Khmer với 6.552 nhân khẩu) hiện có hơn 590 hộ làm nghề dệt thổ cẩm.
Bằng nhiều chính sách hỗ trợ khôi phục nghề truyền thống, từ chính quyền địa phương và các tổ chức ban ngành đoàn thể ở An Giang như hỗ trợ khung dệt, hỗ trợ vốn mua tơ tằm... đã giúp sản phẩm làng nghề dệt thổ cẩm ở ấp Srây Skốt và xã Văn Giáo làm ra đạt chất lượng tốt, đẹp hơn và cũng nhiều hơn.
Qua đó đã giúp cho làng nghề này trở thành cái nôi nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Khmer ở vùng Bảy Núi, An Giang và tên tuổi đang ngày càng vươn xa. Nhờ vậy, nhiều hộ dân tộc Khmer có việc làm và thu nhập ổn định.
Để duy trì bền vững nghề dệt thổ cẩm truyền thống, bà con dân tộc trong ấp Srây Skốt và xã Văn Giáo còn tham gia thành lập HTX dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo. Hàng năm HTX tổ chức từ 1 - 2 lớp dạy nghề dệt cho chị em phụ nữ đồng bào Khmer trên địa bàn về kỹ thuật nhuộm, chuyên môn hóa các công đoạn dệt, nhuộm tơ…
Đóng góp lớn của HTX
HTX dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo còn tổ chức các lớp nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ nghèo về cách dệt thổ cẩm đạt yêu cầu về thẩm mỹ, chất lượng và thời gian dệt cũng như về kỹ thuật dệt trơn, dệt hoa văn; cách phối hợp màu sắc, đường hoa văn; kỹ thuật se chỉ và phối màu sợi dọc... do chính các giảng viên là những phụ nữ có tay nghề dệt thuần thạo trên địa bàn xã Văn Giáo giảng dạy.
![]() |
HTX dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo tổ chức các lớp nâng cao tay nghề dệt thổ cẩm cho chị em phụ nữ nghèo trong xã Văn Giáo. |
Với 143 thành viên viên, HTX đã tạo điều kiện cho 300 lao động nữ (99% là đồng bào Khmer) có công ăn việc làm ổn định, góp phần vào công tác giảm nghèo tại địa phương.
Thời gian qua HTX này đã liên kết sản xuất, giới thiệu sản phẩm hàng hóa ra thị trường trong, ngoài nước, và được công nhận thương hiệu với tên “Khmer Silk”, đem lại sức sống mới cho làng nghề, bà con hăng hái tham gia sản xuất.
Để tạo ra một sản phẩm ưng ý, vừa lòng khách, những nghệ nhân dệt thổ cẩm Văn Giáo phải tốn nhiều công sức trong từng đường tơ, tay dệt Nghề dệt Văn Giáo thường trải qua năm công đoạn chính: nhuộm tơ, đem phơi nắng, làm bông, nhuộm sợi màu lần hai, đánh sợi – dệt và lâu nhất là khâu dệt.
Một điều khiến cho du khách trong, ngoài nước ưa thích thổ cẩm Văn Giáo là ở sự hài hòa giữa truyền thống và hiện đại trên từng họa tiết hoa văn, màu sắc của tấm vải dệt.
Hiện nay, nhờ giá trị văn hóa độc đáo nên nghề dệt thổ cẩm ở Văn Giáo đã được UBND tỉnh An Giang quyết định công nhận làng nghề đối với sản phẩm dệt truyền thống. Sản phẩm của làng nghề cũng được Cục sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học & Công nghệ) cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Sản phẩm dệt Văn Giáo từ chỗ làm ra khá đơn giản, chỉ phục vụ tại địa phương, quẩn quanh trong phum, sóc, bà con Khmer Bảy Núi, thì nay đã mở rộng thị trường sang Campuchia, Indonesia, Malaysia… và theo chân khách du lịch sang tận Mỹ, Úc, Pháp… Đó là niềm phấn khởi chung của những người thợ dệt Văn Giáo.
HTX dệt thổ cẩm Khmer Văn Giáo cũng xúc tiến việc tìm kiếm khách hàng trong và ngoài nước, nhận hợp đồng và phân phối đơn hàng về từng xã viên, tạo điều kiện để bà con có thu nhập ổn định.
Nhờ vào việc tạo sinh kế bằng cách khôi phục nghề truyền thống và vai trò quan trọng của HTX đã giúp đồng bào Khmer ở xã Văn Giáo có cuộc sống khấm khá hơn trước đây.
Không chỉ với nghề dệt thổ cẩm, thời gian qua chính quyền xã Văn Giáo còn thực hiện hàng chục mô hình hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo trong xã. Qua đó đã cải thiện thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống của đồng bào người Khmer.
Thanh Loan
Bài 3: Hiệu quả xây dựng nông thôn mới