Đăk Glei, một huyện vùng cao biên giới của tỉnh Kon Tum, từng là vùng đất nghèo khó, địa hình hiểm trở, giao thương cách trở. Thế nhưng, chỉ trong vài năm trở lại đây, vùng đất này đã và đang chứng kiến sự “thay da đổi thịt” ngoạn mục nhờ quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, kết hợp với ứng dụng mạnh mẽ thương mại điện tử.
Thương mại điện tử mở lối thoát nghèo
Trước kia, đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Glei chủ yếu canh tác theo tập quán truyền thống, phụ thuộc vào thiên nhiên, tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa liên tục xảy ra nên thu nhập bấp bênh.
Những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền các cấp cùng các chương trình hỗ trợ chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo kỹ năng số, đặc biệt là định hướng phát triển HTX nông nghiệp ứng dụng thương mại điện tử, tình hình đã thay đổi rõ rệt.
![]() |
Người dân tộc thiểu số ở Đăk Glei đang giàu lên nhờ thay đổi phương thức sản xuất. |
HTX Nông nghiệp hữu cơ Đăk Long là một ví dụ tiêu biểu cho cuộc “cách mạng” trong nông nghiệp trên địa bàn huyện. Thành lập từ năm 2020, HTX ban đầu chỉ có vài thành viên, diện tích sản xuất chưa đầy 10 ha cà phê, hồ tiêu và rau màu.
Đến nay, nhờ ứng dụng kỹ thuật canh tác hữu cơ, truy xuất nguồn gốc và quảng bá sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee…, HTX đã mở rộng lên hơn 70 ha, liên kết hơn 50 hộ nông dân, tạo việc làm thường xuyên cho 35 lao động địa phương, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số với thu nhập bình quân 6-8 triệu đồng/tháng.
Đáng chú ý, thời gian qua, việc bà con dân tộc Xơ Đăng, Giẻ Triêng... ở Đăk Glei tổ chức chụp ảnh sản phẩm, quay video giới thiệu nông sản để đăng bán online không còn là chuyện hiếm.
Nhiều lớp tập huấn kỹ năng số đã được tổ chức ngay tại các thôn làng, giúp người dân, HTX, tổ hợp tác biết cách chụp ảnh bắt mắt, livestream bán hàng, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc hay gói hàng theo tiêu chuẩn vận chuyển.
Đơn cử như ở HTX Dược liệu Ngọc Linh Đăk Glei là một minh chứng rõ nét cho việc “bắt tay” giữa sản xuất nông nghiệp và công nghệ số.
Kể từ khi thành lập, HTX chuyên nuôi trồng và chế biến sâm Ngọc Linh – một trong những loại dược liệu quý hiếm nhất Việt Nam. Bằng việc xây dựng thương hiệu trên nền tảng số, sản phẩm của HTX đã tiếp cận được hàng chục nghìn khách hàng trong và ngoài nước.
Vào HTX, nhập cuộc đua số hóa
Theo đại diện HTX Dược liệu Ngọc Linh Đăk Glei, trước kia, HTX chỉ bán cho thương lái với giá rất thấp. Giờ đây, qua thương mại điện tử, khách đặt hàng trực tiếp từ TP.HCM, Hà Nội, thậm chí cả Nhật Bản và Hàn Quốc. Có tháng, doanh thu HTX đạt hơn 2 tỷ đồng.
Với những thành công đang có, HTX Dược liệu Ngọc Linh Đăk Glei đang mở rộng vùng trồng, đầu tư nhà sấy lạnh và tiếp tục đưa sản phẩm lên các sàn quốc tế.
Không chỉ phát triển HTX, nhiều hộ gia đình vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Glei cũng biết tận dụng lợi thế địa phương để khởi nghiệp thành công. Điển hình như gia đình anh A Thương, xã Đăk Kroong, từng chỉ trồng lúa rẫy và làm thuê theo mùa.
![]() |
Việc tham gia các HTX, tổ hợp tác giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở Đăk Glei có thêm điểm tựa trong sản xuất. |
Sau khi tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), anh chuyển sang trồng mắc ca, nuôi gà bản địa và mở xưởng chế biến khô gà đặc sản. Nhờ mạnh dạn livestream bán hàng trên Facebook và Tiktok, trung bình mỗi tháng anh bán ra hơn 1.000 đơn hàng, thu về hơn 100 triệu đồng.
"Mình không nghĩ một ngày nông sản của người Xơ Đăng lại được khách thành phố yêu thích đến vậy", anh A Thương hồ hởi nói.
Có một điểm chung của nhiều mô hình thành công tại Đăk Glei là vai trò trung tâm của HTX trong việc liên kết, tổ chức sản xuất và định hướng ứng dụng công nghệ.
Chính các HTX đã trở thành “trạm trung chuyển số” để đưa nông sản vùng cao, vùng sâu đi xa. Các HTX cũng đứng ra xây dựng website, tài khoản mạng xã hội, liên kết đơn vị vận chuyển, đàm phán với sàn thương mại điện tử và huấn luyện kỹ năng cho thành viên.
Theo đại diện HTX Nông nghiệp xanh Đăk Pek, trước đây các thành viên HTX ngại dùng điện thoại, nhưng khi thấy bán hàng qua mạng có thu nhập cao, ai cũng muốn học. Vì vậy, HTX tổ chức lớp hướng dẫn livestream, cách trả lời khách, cách đóng gói hàng. Dần dần, mỗi thành viên HTX đều có thể bán hàng như một “KOL nông sản” thực thụ.
Kết nối thị trường toàn cầu
Có thể nói, với các chính sách hỗ trợ đúng hướng của ban ngành tỉnh, địa phương, các HTX, tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang hoạt động hiệu quả. Đáng chú ý, sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam cũng đang giúp các HTX, tổ hợp tác ở Kon Tum nói chung và ở Đăk Glei nói riêng vươn lên mạnh mẽ.
Điển hình, Liên minh HTX Việt Nam đã phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật cho các thành viên HTX. Đặc biệt, chú trọng đến việc hỗ trợ chuyển đổi số trong sản xuất và kinh doanh, giúp các HTX ứng dụng công nghệ vào quản lý, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả hơn.
Các hoạt động cụ thể như tổ chức lớp tập huấn về kỹ năng số: chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc.; hỗ trợ các HTX xây dựng website, tài khoản mạng xã hội và tham gia các sàn thương mại điện tử như Postmart, Voso, Shopee…
Ngoài ra, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Kon Tum đã bố trí 15 tỷ đồng từ nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, trong đó có các HTX tại Đăk Glei.
Với sự hỗ trợ thiết thực, không dừng lại ở thị trường trong nước, một số HTX tại Đăk Glei đang hướng đến xuất khẩu nông sản sang thị trường châu Á và châu Âu. Nhờ áp dụng tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ, đăng ký mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, nhiều sản phẩm như chuối rừng, cà phê hữu cơ, tinh dầu sả… đã được các doanh nghiệp nước ngoài ngỏ ý hợp tác lâu dài.
Chính quyền huyện Đăk Glei hiện đang tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp giai đoạn 2025-2030. Theo đó, mỗi xã sẽ có ít nhất một mô hình HTX nông nghiệp số kiểu mẫu, một trung tâm giới thiệu và bán hàng trực tuyến đặt tại nhà văn hóa cộng đồng. Mục tiêu là đưa tỷ lệ hộ nông dân tiếp cận được thương mại điện tử đạt 70% vào năm 2030.
Từ những bước đi đầu tiên đầy bỡ ngỡ, đến nay, người nông dân vùng cao Đăk Glei, đặc biệt là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện đã từng bước trở thành người làm chủ thị trường thông qua công nghệ. Họ không còn chỉ trông vào trời đất, mà đã biết hoạch định sản xuất, tối ưu kênh bán hàng và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của mình.
Thành công của Đăk Glei cho thấy tiềm năng to lớn của việc kết hợp giữa nông nghiệp và thương mại điện tử tại các vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đó không chỉ là câu chuyện tăng thu nhập, mà còn là sự khẳng định vị thế, bản sắc và trí tuệ của đồng bào dân tộc thiểu số trong thời đại số hóa.
An Chi