Những đổi thay tích cực đang diễn ra trong đời sống của đồng bào Mông, Dao, Tày... khi họ chủ động liên kết thành các HTX, tổ hợp tác, tiếp cận công nghệ, mở ra hướng đi mới cho sinh kế bền vững.
Mở hướng đi mới
Từ một huyện miền núi với nền kinh tế nông nghiệp chủ yếu tự cung tự cấp, Sa Pa đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Đặc biệt trong lĩnh vực dịch vụ và du lịch, công nghệ thông tin đã giúp kết nối người dân bản địa với thị trường trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và thu nhập của người dân.
Hiện, trên địa bàn Sa Pa đang có hàng trăm hộ dân tộc thiểu số biết sử dụng mạng xã hội, sàn thương mại điện tử để quảng bá và bán hàng.
![]() |
Người dân tộc thiểu số ở Sa Pa đã không còn ngại dùng công nghệ thông tin để bán hàng. |
Đặc biệt, các HTX do người dân tộc làm chủ đang đóng vai trò đầu tàu trong công cuộc số hóa, từ đào tạo kỹ năng công nghệ cho các thành viên, ứng dụng phần mềm quản lý, đến quảng bá sản phẩm, dịch vụ du lịch trực tuyến.
Không chỉ là xu hướng, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã và đang trở thành chìa khóa giúp đồng bào dân tộc thiểu số chuyển đổi cách làm ăn, giữ gìn văn hóa truyền thống mà vẫn thích nghi với thị trường hiện đại.
Một trong những mô hình nổi bật là HTX Dệt thổ cẩm Lan Rừng do chị Vàng Thị Lử – người dân tộc Mông tại bản Lao Chải – sáng lập. Từ một nhóm phụ nữ dệt vải thủ công phục vụ trong bản, chị Lử đã mạnh dạn đưa sản phẩm của mình lên Zalo, Facebook, rồi TikTok.
Thời gian qua, HTX phát triển thành công gian hàng trên các sàn thương mại điện tử như Postmart và Shopee, đều đặn livestream bán hàng và quảng bá sản phẩm thủ công đến người tiêu dùng cả nước.
“Khách giờ không đến tận nơi mới mua hàng. Họ xem livestream, hỏi mẫu, đặt hàng rồi thanh toán online. Mỗi tháng bán được vài trăm sản phẩm, có lúc không đủ hàng để giao”, chị Lử hồ hởi kể.
Ngoài ra, HTX còn đầu tư vào ảnh sản phẩm, thiết kế bao bì, dán mã QR truy xuất nguồn gốc và xây dựng câu chuyện thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm. Thu nhập của thành viên tăng lên rõ rệt, đạt trung bình 4 - 6 triệu đồng/tháng. Không ít thành viên HTX từng phải đi làm thuê nay đã quay về bản, vừa giữ nghề truyền thống vừa có thu nhập ổn định.
Công nghệ đi cùng bản sắc
Không chỉ trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, công nghệ thông tin còn được ứng dụng mạnh mẽ vào phát triển du lịch cộng đồng. Như HTX Du lịch cộng đồng Tả Van Xanh, do anh Lý A Châu – người dân tộc Dáy – điều hành, đã thành công trong việc kết hợp du lịch sinh thái và văn hóa truyền thống.
HTX đang sở hữu chuỗi homestay đạt chuẩn quốc tế, cung cấp dịch vụ trải nghiệm nấu ăn, mặc trang phục dân tộc, đi chợ phiên, học làm nông… mang đậm màu sắc bản địa.
“Khách du lịch giờ chủ yếu đặt phòng qua mạng. HTX có trang web riêng, bán tour trên Booking, Agoda, và quản lý đặt phòng qua phần mềm. Mỗi tháng đón từ 300 đến 500 lượt khách, trong đó khoảng 60% là khách quốc tế”, anh Châu chia sẻ.
HTX còn sử dụng công cụ đánh giá tự động, mã QR giới thiệu tour, kết hợp quảng bá trên fanpage, hội nhóm Facebook và TikTok để tăng tương tác với khách.
Nhờ hoạt động hiệu quả, mô hình của HTX Du lịch cộng đồng Tả Van Xanh không chỉ tạo sinh kế bền vững mà còn góp phần gìn giữ văn hóa, tăng sự tự tin cho người dân khi chính họ là người hướng dẫn, phục vụ và truyền tải bản sắc dân tộc tới du khách.
![]() |
Ứng dụng nền tảng mạng xã hội giúp các HTX du lịch mở rộng mạng lưới khách tham quan. |
Theo thống kê, hiện toàn thị xã Sa Pa có hơn 20 HTX hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực nghề truyền thống, du lịch và nông nghiệp. Đáng chú ý, trên 70% các HTX này do người dân tộc thiểu số làm chủ hoặc tham gia điều hành.
Hoạt động của HTX cho thấy xu hướng ngày càng rõ rệt là ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả tiếp thị mà còn mở rộng đầu ra cho sản phẩm và dịch vụ.
Các HTX đang từng bước làm chủ công nghệ số từ việc sử dụng phần mềm kế toán, quản lý kho, bán hàng online đến thanh toán không tiền mặt qua mã QR. Một số mô hình còn thử nghiệm livestream bán hàng chuyên nghiệp, ứng dụng flycam (drone) quay video quảng bá bản làng, dịch vụ, tạo ra những trải nghiệm hấp dẫn cho khách du lịch.
Cần thêm sự đồng hành
Thành công của các HTX trên địa bàn thị xã Sa Pa có dấu ấn đậm nét từ các chương trình hỗ trợ của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Lào Cai.
Một trong những chương trình nổi bật là hỗ trợ xây dựng mô hình HTX gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Nhờ sự kết nối từ Liên minh HTX Việt Nam, nhiều HTX tại Sa Pa như HTX du lịch cộng đồng Tả Van, HTX Mường Hoa đã được tiếp cận vốn ưu đãi, đào tạo quản trị, tập huấn kỹ năng làm du lịch và xúc tiến thương mại. Qua đó, không chỉ tạo sinh kế ổn định cho người dân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh Sa Pa đến du khách trong và ngoài nước.
Bên cạnh du lịch, Liên minh HTX Việt Nam cũng đẩy mạnh hỗ trợ các HTX sản xuất nông sản đặc hữu như dược liệu, thảo quả, rau trái ôn đới. Các HTX được hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch và tiếp cận sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, chương trình "HTX số" do Liên minh HTX Việt Nam triển khai đã giúp nhiều đơn vị tiếp cận chuyển đổi số, từ đó nâng cao năng lực quản lý và hiệu quả kinh doanh.
Ngoài ra, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ HTX cũng được chú trọng. Hàng trăm lượt cán bộ, thành viên HTX tại Sa Pa đã được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo chuyên đề do Liên minh tổ chức, từ đó nâng cao năng lực quản trị, phát triển sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam, các HTX tại Sa Pa đang ngày càng khẳng định vai trò trong phát triển kinh tế địa phương, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và nâng cao đời sống cho cộng đồng. Đây cũng là mô hình tiêu biểu cho sự kết hợp giữa chính sách hỗ trợ và nội lực của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển bền vững vùng cao Tây Bắc.
Bên cạnh phát triển kinh tế hợp tác, HTX, để quá trình chuyển đổi số trên địa bàn Sa Pa nói riêng và toàn tỉnh Lào Cai nói chung đạt mục tiêu và bền vững, cần sự đồng hành của nhiều phía, từ chính quyền địa phương, doanh nghiệp công nghệ, tổ chức xã hội và cả người tiêu dùng.
Trong đó, đầu tư hạ tầng mạng, tổ chức tập huấn theo nhu cầu thực tiễn, hỗ trợ kết nối thị trường… chính là những “bệ đỡ” để đồng bào dân tộc thiểu số ở Sa Pa khai thác triệt để tiềm năng từ công nghệ.
Tựu trung lại, công nghệ thông tin không chỉ thay đổi cách làm ăn, mà còn giúp đồng bào dân tộc tự tin bước ra thị trường lớn, gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa. Sa Pa – với thiên nhiên hùng vĩ, con người hiếu khách và tinh thần đổi mới – đang thực sự trở thành điểm đến tiêu biểu cho hành trình chuyển đổi số vùng cao.
Nhật Minh