Là một nông dân Khmer và là giám đốc của HTX Nông nghiệp Phước An ở ấp Phước An, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, ông Kim Sa Huil cho biết, điều mà ông tâm đắc nhất là việc tham gia vào HTX của đồng bào dân tộc Khmer trong xã.
Chuyển biến phương thức sản xuất
“Đặc biệt là bà con đã liên kết sản xuất tạo ra hạt lúa cùng giống, cùng chất lượng được doanh nghiệp bao tiêu đầu ra, giúp tăng thu nhập cho nông dân”, ông Kim Sa Huil nói.
![]() |
HTX Nông nghiệp Phước An đã tạo được sự chuyển biến về thay đổi phương thức trồng lúa của nông dân Khmer ở địa phương. |
HTX Phước An được thành lập từ năm 2015, đến nay có 295 thành viên (trong đó có nhiều thành viên là người dân tộc Khmer), với diện tích đất canh tác 523ha. Hoạt động chủ yếu của HTX là trồng lúa, nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp, buôn bán nông lâm sản nguyên liệu, lúa và lúa giống, vật tư nông nghiệp…
Đây là một trong những HTX tiêu biểu ở huyện Châu Thành, được đánh giá có hoạt động có hiệu quả, thu hút khá đông đồng bào Khmer địa phương làm thành viên và tạo được sự chuyển biến về thay đổi phương thức sản xuất của nông dân.
Đáng chú ý, các thành viên trong HTX đã thống nhất sản xuất một loại giống với các giống lúa chủ lực như: OM6976, ST, RVT... sản xuất lúa 3 vụ/năm, năng suất ước đạt 7,5 tấn/ha và được các doanh nghiệp bao tiêu đầu ra. Ngoài canh tác lúa, HTX được hỗ trợ kinh phí làm giống, diện tích 20 ha nhằm cung ứng giống cho toàn bộ diện tích của các thành viên
Theo Giám đốc Kim Sa Huil, để đạt chuẩn và được doanh nghiệp bao tiêu, các thành viên HTX đều tuân thủ nghiêm ngặt các bước sản xuất từ khâu chọn lựa giống, làm đất, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch…
“Thêm vào đó, HTX được các ngành hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất lúa, được Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Sóc Trăng hỗ trợ nhà kho, đường dẫn, cầu giao thông vào cánh đồng, nên thành viên an tâm sản xuất vì có đầy đủ trang thiết bị cần thiết phục vụ cho quá trình sản xuất lúa…”, ông Kim Sa Huil chia sẻ.
Không chỉ với HTX Nông nghiệp Phước An, việc phát triển kinh tế hợp tác ở huyện Châu Thành ngày càng có những chuyển biến hiệu quả hơn, nhất là có sự tham gia có nhiều nông dân là đồng bào Khmer.
Số liệu hồi năm 2020 cho thấy, toàn huyện có 18 HTX với tổng số 2.762 thành viên và 88 tổ hợp tác với hơn 1.877 thành viên tham gia. Cùng với việc phát triển kinh tế hợp tác, năm vừa qua, huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình dự án nông nghiệp, duy trì và mở rộng được một số mô hình sản xuất tiến bộ.
Khá giả nhờ tham gia HTX bò sữa
Nhờ chú trọng nâng cao tính hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác, phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị đã giúp đời sống nông dân ở huyện Châu Thành nâng lên rõ rệt, nhất là giảm tỷ lệ hộ nghèo hộ nghèo ở đồng bào Khmer chỉ còn 2,44%.
![]() |
HTX Nông nghiệp Evergrowth ở huyện Trần Đề đã giúp bà con Khmer trở nên khấm khá nhờ nuôi bò sữa. |
Bên cạnh huyện Châu Thành, việc phát triển kinh tế hợp tác ở các địa phương của tỉnh Sóc Trăng được đánh giá là ngày càng khởi sắc. Tính đến tháng 4/2021, toàn tỉnh đã có 226 HTX với 35.444 thành viên, 1.236 tổ hợp tác với 29.403 thành viên tham gia. Hoạt động của các HTX, tổ hợp tác có nhiều đổi mới, góp phần giúp cho đời sống của đồng bào Khmer được nâng lên, trở thành những hộ khá giả.
Trong câu chuyện người Khmer ở Sóc Trăng làm kinh tế giỏi cũng cần nhắc đến hoạt động chăn nuôi bò sữa theo mô hình kinh tế hợp tác. Trong 10 năm trở lại đây, Sóc Trăng đã trở thành tỉnh dẫn đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long về chăn nuôi bò sữa với tổng đàn hơn 11.500 con.
Kết quả này nhờ phát huy tốt hiệu quả từ những chương trình, dự án hỗ trợ của tỉnh Sóc Trăng để mô hình nuôi bò sữa phát triển bền vững, nhất là ở trong cộng đồng người dân Khmer. Trong đó, đáng kể nhất là vai trò lớn của HTX Nông nghiệp Evergrowth (trụ sở tại huyện Trần Đề).
Để giúp nông dân làm ăn có hiệu quả, HTX phối hợp ngành ngân hàng đầu tư vốn cung ứng con giống, chuồng trại nuôi bò sữa tập trung ứng dụng kỹ thuật, công nghệ cao với quy mô lớn ở các huyện: Mỹ Xuyên, Trần Đề, Mỹ Tú, Châu Thành và vùng ven địa bàn TP Sóc Trăng.
Lúc mới thành lập, HTX chỉ có 171 thành viên với 352 con bò sữa, nay số lượng thành viên đã tăng lên hơn 3.000 người (trong đó có đến 95% thành viên là đồng bào dân tộc Khmer). Số lượng đàn bò của HTX cũng tăng tới hơn 11.500 con, trong đó có khoảng 60% đang cho sữa với tổng sản lượng sữa 7.490 tấn.
Theo chia sẻ của một nông dân Khmer là bà Thạch Thị Cân ở ấp Tài Công, xã Tài Văn, huyện Trần Đề: "Nhờ nuôi bò sữa và tham gia vào HTX Evergrowth, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc bò sữa, đầu ra ổn định và được giá, đã giúp gia đình tôi vươn lên có cuộc sống khá giả như hôm nay".
Thanh Loan