Lục Nam có nhiều thắng cảnh tự nhiên đẹp, tạo nên thế mạnh du lịch sinh thái kết hợp nghỉ dưỡng thu hút được đông đảo du khách biết đến như suối Mỡ xã Nghĩa Phương, suối Nước Vàng xã Lục Sơn, hồ Suối Nứa xã Đông Hưng, vực Rêu xã Cẩm Lý… Môi trường sinh thái và văn hóa bản địa là hai điều kiện cơ bản tạo nên những sản phẩm du lịch đặc trưng cho vùng đất “sông Lục, núi Huyền”.
Tiềm năng du lịch phong phú
Toàn huyện còn có 263 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 72 di tích đã được xếp hạng, 14 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Tiềm năng du lịch văn hóa Lục Nam đặc biệt được mở ra khi thông xe tuyến tỉnh lộ 293.
![]() |
Lục Nam có điều kiện thiên nhiên vô cùng phong phú để phát triển du lịch trải nghiệm. |
Ngoài ra, Lục Nam có những bản làng người dân tộc thiểu số như Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chí sinh sống. Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng thể hiện qua tiếng nói, trang phục truyền thống, nếp sinh hoạt, văn hóa ẩm thực, lời ca tiếng hát và cách thức sản xuất một số nghề thủ công đã tạo nên những giá trị văn hóa đặc trưng của người dân bản địa.
Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất của huyện phải kể đến khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, xã Nghĩa Phương với dòng Suối Mỡ có nhiều thác nước tuyệt đẹp cùng ba ngôi đền thờ công chúa Quế Mỵ Nương, con vua Hùng Định Vương được suy tôn là “Bà chúa Thượng ngàn”.
Nơi đây đã được các cấp chính quyền cùng nhân dân địa phương đầu tư tôn tạo và phát triển từ nhiều năm nay. Hàng năm, khu du lịch sinh thái Suối Mỡ đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách đến thăm quan, chiêm bái.
Anh Lâm Văn Đồng, dân tộc Sán Chí, xã Nghĩa Phương, cho biết trong khoảng 10 năm trở lại đây khách du lịch đến tham quan quần thể du lịch thiên nhiên, tâm linh suối Mỡ ngày càng đông. Để phát huy lợi thế này, gia đình anh đã đầu tư xây dựng homestay để đón du khách.
Bên cạnh dịch vụ lưu trú, đến với homestay của gia đình anh Đồng, du khách còn được thưởng thức những món ăn truyền thống, được trải nghiệm các công đoạn đan sung (một loại tay nải, túi đựng đồ của người Sán Chí), và đặc biệt là thưởng thức làn điệu dân ca Sán Chí đặc trưng.
“Kể từ khi xây dựng vào năm 2015, các dịch vụ lưu trú, văn hóa mang lại cho gia đình tôi trên dưới 100 triệu đồng/năm, sau khi trừ chi phí. Không chỉ có lợi ích kinh tế, hoạt động du lịch còn là cơ hội để chúng tôi gìn giữ, giới thiệu, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của người Sán Chí”, anh Đồng chia sẻ.
Kể từ năm 2021 đến nay, dù bị ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch Covid-19, việc đón khách du lịch bị ngắt quãng liên tục, tuy nhiên, anh Lâm Văn Đồng cùng nhiều hộ làm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Lục Nam vẫn rất tự tin vào tương lai của ngành “công nghiệp không khói” tại địa phương.
Kế hoạch 10 năm bứt tốc
Ông Đặng Văn Nhàn, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, cho hay xác định phát triển du lịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, huyện đã đề ra nhiều nhiệm vụ giải pháp quan trọng cần tập trung cho phát triển du lịch trong Kế hoạch số 154/KH-UBND của UBND huyện về phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Thời gian tới, huyện sẽ tập trung vào hoàn thành xây dựng Đề án hình thành “Con đường Hoằng Dương Phật pháp của các Phật tổ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử” và quy hoạch, phục dựng các điểm di tích theo dấu chân Phật Hoàng trên dãy Huyền Đinh.
![]() |
Du lịch sẽ là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế theo hướng bền vững của huyện Lục Nam. |
Huyện cũng tập trung nguồn lực phát triển các điểm du lịch cộng đồng huyện Lục Nam giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, cơ bản hoàn thành các hạng mục xây dựng khu du lịch tâm linh sinh thái Suối Mỡ và đề nghị được công nhận là khu du lịch cấp Quốc gia vào giai đoạn 2025 - 2030.
Mục tiêu của huyện đến năm 2025 sẽ công nhận 3 điểm du lịch cộng đồng gắn với vùng cây ăn quả, sản phẩm nông nghiệp nông thôn, tại các xã Bình Sơn, Lục Sơn, Bảo Sơn và một số xã, thị trấn khác có tiềm năng. Đưa vào khai thác sân golf nghỉ dưỡng Bắc Giang tại xã Chu Điện, Yên Sơn, Khám Lạng. Tập trung thu hút đầu tư hoàn thành ít nhất 1 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 3, 4 sao trên địa bàn.
Phấn đấu đến năm 2025 thu hút khoảng 1 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho 700 lao động, trong đó ít nhất 30% là người dân tộc thiểu số. Đến năm 2030 khách du lịch của huyện đạt khoảng 1,5 triệu lượt, doanh thu đạt khoảng 150 tỷ đồng, tạo việc làm cho 1.000 lao động, ít nhất 50% là người dân tộc thiểu số.
Để đạt được những mục tiêu đề ra Lục Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp trọng tâm. Trong đó, trọng tâm là xây dựng các HTX dịch vụ du lịch cộng đồng như: HTX thôn Vĩnh Ninh (xã Lục Sơn) gắn với sản phẩm du lịch Sinh thái, trải nghiệm Suối nước vàng, Thác Giót, Lái Cỏ; HTX thôn Lãng Sơn (xã Đông Hưng) gắn với Khu du lịch sinh thái - trải nghiệm, nghỉ dưỡng Hồ Suối Nứa; HTX thôn Ba Gò, Dùm (xã Nghĩa Phương) gắn với Tâm linh, Sinh thái, trải nghiệm, nghỉ dưỡng Suối Mỡ, Bãi Đá mài gươm, Chùa Hóa, Chòi Xoan, Hồ Bấc.
Bên cạnh đó, huyện tập trung khai thác tour du lịch trải nghiệm sản vật nông nghiệp gắn với Vườn Thanh Long Bãi Cả, xã Bình Sơn, vườn Cam Bưởi Vĩnh Tân, xã Lục Sơn, hay HTX Nông sản an toàn Lục Nam thôn Chấu, xã Bảo Đài…
Huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá tiềm năng, thế mạnh trong lĩnh vực du lịch cũng như hoạt động đầu tư và thu hút nguồn lực xây dựng một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn huyện. Quan tâm chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực làm du lịch.
Lệ Chi