Vị Xuyên là huyện miền núi biên giới có đông đồng bào dân tộc thiểu số. Với những đặc điểm giới tính, định kiến xã hội trên địa bàn, phụ nữ và trẻ em gái luôn ở vị trí yếu thế hơn trong gia đình, ngoài xã hội, dẫn đến sự bấp bênh về thu nhập, tụt hậu trong giáo dục, chăm sóc sức khỏe...
Dần khẳng định vị thế
Theo thống kê, toàn huyện Vị Xuyên hiện có trên 21.000 hội viên phụ nữ, đa phần hội viên làm nghề nông nên cuộc sống gia đình còn nhiều khó khăn. Kể từ khi tham gia phong trào “Phụ nữ học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no hạnh phúc”, nhiều hội viên đã vươn lên làm chủ cuộc sống.
Theo đó, nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện đã nỗ lực làm giàu bằng nghề nuôi trồng những giống cây, con được coi là thế mạnh của từng địa phương.
![]() |
Phụ nữ dân tộc thiểu số ở Vị Xuyên đang ngày càng tự tin khởi nghiệp, xây dựng mô hình kinh tế hiệu quả. |
Đơn cử như gia đình chị Lò Thị Tính, dân tộc Mông, xã Đạo Đức đã vượt khó làm giàu bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm, đặc biệt là mô hình nuôi chim cút thương phẩm theo quy trình hữu cơ.
Chị Tính chia sẻ: “Đàn chim cút của gia đình tôi ban đầu chỉ có khoảng 1.000 con được mua từ trại giống Viện Chăn nuôi tại Hà Nội, với giá bình quân 1.500 - 2.000 đồng/con. Sau vài năm vừa bán cút thương phẩm, vừa nhân giống, đàn chim hiện đạt xấp xỉ 10.000 con”.
Bên cạnh chim cút, trang trại chăn nuôi của chị Tính còn nuôi hơn 1.000 con gà, 1.000 con ngan đen và vài chục con lợn mỗi lứa. Nhờ chăn nuôi khoa học, ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, đàn vật nuôi luôn phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất và chất lượng thịt đảm bảo.
Theo chị Tính, chăn nuôi chim cút và các con giống gia súc, gia cầm khác cần đảm bảo vệ sinh để không bị nhiễm bệnh, nên gia đình chị thường xuyên vệ sinh chuồng trại bằng cách phun thuốc khử trùng, rắc vôi bột và các dung dịch sát khuẩn. Bên cạnh đó, chị cho tiêm phòng vắc xin định kỳ, đảm bảo thức ăn, nước uống cho vật nuôi hàng ngày.
Được chăm sóc tốt, đàn chim cút, gia cầm của gia đình chị Tính có tỷ lệ sống đạt trên 98%, tăng trưởng mạnh, được xuất bán đều, trung bình 60 ngày có thể xuất chuồng một lứa. Trung bình mỗi tháng, gia đình chị xuất bán trung bình 4.000 - 5.000 con chim cút thương phẩm, với giá bán lẻ 15.000 đồng/con.
Từ đàn chim cút, gà và ngan, mỗi năm gia đình chị Tính thu nhập 200 triệu đồng, đủ để trang trải cuộc sống và có một phần tích luỹ đáng kể. Không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình chị Tính đang là gương điển hình, tạo sức lan tỏa tích cực đến hàng chục gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn xã Đạo Đức.
Chị Hà Thị Thương, dân tộc Tày, xã Thanh Thủy cũng là một trong những điển hình phụ nữ dân tộc thiểu số luôn trăn trở tìm cách đưa kinh tế gia đình đi lên, đóng góp chung vào quá trình xây dựng kinh tế, xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Cơ duyên đến với chị Thương khi chị đăng ký tham gia lớp học nghề trồng nấm do Viện Di truyền Nông nghiệp tổ chức năm 2018. Kể từ đó, chị cùng gia đình đầu tư gần 100 triệu đồng, phát triển mô hình trồng nấm.
Sau 2 năm vừa học vừa làm, đến nay, gia đình chị đã có 2 nhà trồng nấm, mỗi nhà có diện tích từ 150 - 250 m2 với tổng số gần 11.000 bịch nấm, với các giống nấm sò, nấm linh chi và nấm hoàng đế.
Hiện, mỗi tháng, gia đình chị Thương xuất bán ra thị trường hơn 60 kg nấm tươi các loại. Nấm là cây có giá trị dinh dưỡng cao nên các sản phẩm bán ra đều được giá, sau khi trừ đi các chi phí, mỗi năm gia đình chị Thương thu nhập trên 200 triệu đồng.
Đặc biệt, gia đình chị Thương đang tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động tại chỗ, tất cả đều là người dân tộc Tày, với mức lương 3 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Thêm "điểm tựa" để vươn lên
Bà Lê Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Xuyên cho hay, trong giai đoạn 2016 – 2021, để nâng cao vị thế, vai trò của phụ nữ trong xã hội, Hội tích cực triển khai cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh. Đến nay, toàn huyện có 10.550 gia đình đạt tiêu chí 5 không 3 sạch, 11.824 gia đình đạt 3 sạch.
![]() |
Vị Xuyên sẽ hướng mạnh các nguồn lực hỗ trợ để giúp phụ nữ dân tộc thiểu số khẳng định mình. |
Huyện đã phối hợp với các cơ quan, ban ngành mở được 43 lớp và 66 nhóm xóa mù chữ và học tiếng phổ thông cho phụ nữ dân tộc thiểu số; đóng góp trên 83 triệu đồng và 5.000 ngày công giúp đỡ các địa phương xây dựng nhà ở...
Nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là việc thực hiện tốt phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, hỗ trợ hội viên tiếp cận hiệu quả các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các quỹ khác. Đặc biệt, duy trì và thành lập mới được 76 “Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế”, qua đó xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ tiêu biểu trong phát triển kinh tế.
Phong trào“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình hạnh phúc” tại huyện Vị Xuyên thời gian qua đã đạt được những kết quả tích cực. Đến nay, phong trào đã được triển khai tới 25/25 cơ sở hội và đã có gần 10 nghìn cán bộ, hội viên đăng ký thực hiện.
Từ các phong trào này đã nhân rộng nhiều mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, giúp chị em vươn lên thoát nghèo, làm giàu. Đáng chú ý, nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được các hội viên áp dụng, phù hợp với điều kiện sản xuất tại địa phương, cho thu nhập từ 100 - 300 triệu đồng/năm như mô hình trồng cam VietGAP, chăn nuôi lợn sinh sản, chăn nuôi tổng hợp và trồng chè Shan tuyết...
Để tiếp tục giúp đỡ các hội viên phát triển kinh tế, thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Xuyên xác định sẽ tích cực triển khai các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ, duy trì hoạt động tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ.
“Các hoạt động hỗ trợ sẽ được triển khai một cách đồng bộ, hiệu quả, mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Điều này không chỉ giúp các chị em, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập của gia đình, vươn lên thoát nghèo, làm giàu, mà cao hơn là đóng góp vào chương trình giảm nghèo do Chính phủ triển khai”, bà Vân nhấn mạnh.
Mỹ Chí