Tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn là nỗi ám ảnh, nhất là khi trong 3 năm gần đây, tỷ lệ DN FDI báo lỗ là trên 50% dù hiện nay khối này đang chiếm khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Công cụ chống chuyển giá
Điều đó có thể dễ nhận thấy từ tính hiệu quả của các quy định về chống chuyển giá theo Nghị định 20/2017/ NĐ-CP đã giúp cơ quan thanh tra, kiểm tra tài chính thu về ngân sách mỗi năm 11.089 tỷ đồng.
Đặc biệt là cơ quan thuế đã kiểm soát những giao dịch chuyển giá thực hiện hành vi lách thuế, trốn thuế thường phát sinh nhiều hơn trong các giao dịch liên kết xuyên quốc gia (tập trung vào các DN FDI với công ty mẹ hoặc công ty cùng một tập đoàn ở nước ngoài).
Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng lo ngại các giao dịch liên kết giữa các công ty trong hệ thống liên kết nội địa, nhất là những công ty thực hiện hoạt động chuyển giá giữa các công ty có mức thuế thu nhập khác nhau hoặc đang được miễn thuế thu nhập DN để trốn tránh nghĩa vụ thuế.
Tuy nhiên, mặt khác, Nghị định 20 được cho là gây ra một số “tác dụng phụ” khi áp nghĩa vụ cho cả những trường hợp không có hành vi chuyển giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ nộp thuế.
Ngày 25/12, trong góp ý gửi Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) về Nghị định sửa đổi Điều 8.3 Nghị định 20/2017 quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã lưu ý vấn đề này.
Theo VCCI, Nghị định 20 sử dụng 2 công cụ chính để chống chuyển giá. Thứ nhất là người nộp thuế có giao dịch liên kết phải lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết với phương pháp xác định giá theo Điều 7, công cụ này áp dụng với mọi loại giao dịch.
Thứ hai, đối với một số trường hợp cụ thể thì áp dụng quy định riêng tại Điều 8. Như vậy, Điều 7 có thể coi là phương pháp chung để xác định giá của giao dịch liên kết, còn Điều 8 là quy định riêng cho một số trường hợp cụ thể.
Điều 11 của Nghị định 20 cũng đã có quy định miễn trừ nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết trong trường hợp hai bên giao dịch cùng ở Việt Nam, chung mức thuế suất, không DN nào được hưởng ưu đãi thuế, và trường hợp giá trị giao dịch liên kết nhỏ, không đáng kể.
![]() |
Chống chuyển giá nhưng không để DN gặp “tác dụng phụ” |
Đừng để DN gặp khó
Như vậy, theo VCCI, Điều 11 đã thể hiện rõ tinh thần loại trừ nghĩa vụ đối với các giao dịch giữa 2 công ty liên kết trong nước không có chênh lệch thuế suất, bởi những công ty này không có động cơ để chuyển giá. Cũng chính vì lý do này nên rất nhiều DN trong nước tin rằng Điều 11 đã loại bỏ nghĩa vụ của họ trong việc áp dụng Nghị định 20.
VCCI nhìn nhận mục tiêu này là hợp lý vì trong trường hợp hai DN ở Việt Nam có chung mức thuế suất thì việc chống chuyển giá là không thực sự cần thiết.
Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ về mặt ngôn từ, Điều 11 chỉ miễn trừ nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết cho các DN, tức là miễn trừ nghĩa vụ chung nhưng vẫn bắt buộc DN phải tuân thủ Điều 8 về nghĩa vụ riêng trong một số trường hợp cụ thể.
Với những lý do đó, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi Nghị định 20 theo hướng mở rộng phạm vi của Điều 11, bao gồm cả miễn trừ nghĩa vụ tại Điều 8.
“Nói cách khác, các giao dịch liên kết giữa các bên đều ở Việt Nam, không có chênh lệch thuế suất thì không phải áp dụng các nghĩa vụ tại Nghị định này, bao gồm cả nghĩa vụ lập hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết và nghĩa vụ xác định giá cho một số trường hợp cụ thể tại Điều 8 của Nghị định 20”, VCCI lưu ý.
Có ý kiến cho rằng Điều 8.3 của Nghị định 20 là nhằm mục tiêu chống vốn mỏng, chứ không chỉ nhằm mục tiêu chống chuyển giá, nhưng VCCI nhận định mục tiêu chống vốn mỏng không phải là mục tiêu khi ban hành Nghị định 20.
Quan trọng hơn, việc chống vốn mỏng cần phải được nghiên cứu và đánh giá tác động hết sức thấu đáo trước khi quyết định cụ thể. Phạm vi áp dụng cũng phải là toàn bộ các giao dịch vay tài sản chứ không chỉ dừng lại ở những giao dịch vay giữa các bên liên kết.
Do đó, việc áp dụng Điều 8.3 để nhằm mục tiêu chống vốn mỏng là không phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay. Quy định về chống vốn mỏng nên được thảo luận kỹ hơn khi ban hành Luật sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN.
Theo giới chuyên gia, quy định trần lãi vay được trừ khi xác định thuế thu nhập DN tại Nghị định 20 được xem là một trong những giải pháp hạn chế tình trạng lạm dụng vốn mỏng.
Thế nhưng, việc khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định 20 không được quy định trong Luật Thuế thu nhập DN cũng khiến các DN gặp khó khăn trong việc áp dụng, bởi Luật Thuế thu nhập DN là văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.
Nhiều DN trong nước đang hy vọng quy định khống chế 20% chi phí lãi vay để tính thuế có thể sẽ được sửa nhanh tại Nghị định sửa đổi Điều 8.3 Nghị định 20/2017 trong gian tới để vừa đảm bảo mục tiêu chống chuyển giá, vừa không gây “tác dụng phụ” đối với họ.
Thế Vinh