Sáng 18/1, trong bài tham luận về ngành dệt may tại Hội thảo CPTPP với doanh nghiệp Việt: Lợi ích hay thách thức, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ những cơ hội và thách thức của ngành.
![]() |
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam |
Dệt may Việt Nam hiện nay là ngành công nghiệp đứng đầu cả nước về thu dụng lao động với khoảng 2,7 triệu người, đứng thứ 2 về kim ngạch xuất khẩu sau điện thoại và linh kiện - năm 2018 đạt 36,1 tỷ USD, chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Ngành nằm trong top 3 các nước xuất khẩu dệt may thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Kim ngạch nhập khẩu của ngành dệt may Việt Nam năm 2018 đạt 21,8 tỷ USD.
Trong gần 30 năm nay, dệt may Việt Nam đã phát triển từ con số 0. Năm 1990 mới xuất khẩu 52 triệu USD. Đến năm 2002, khi ký hiệp định song phương với Mỹ, đã xuất khẩu khoảng 2,75 tỷ USD, đến 2013 đã tăng lên 21 tỷ USD và năm 2018 là 36,1 tỷ USD.
Song song đó, doanh nghiệp dệt may vẫn còn gặp nhiều thách thức. Trong đó, quy định xuất xứ từ sợi của CPTTP đã đánh đúng vào điểm nghẽn của ngành. Với lợi thế ưu đãi thuế quan của CPTTP, các đối thủ cạnh tranh sẽ hỗ trợ công nghiệp dệt may của họ. Một số nước xuất khẩu dệt may mới nổi như Campuchia, Myanmar, Lào cũng được hưởng thuế 0% từ EU. Nhiều nước sẽ sử dụng cơ chế phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất nội địa.
Trong khi đó, "nút thắt" lớn nhất của ngành dệt may hiện nay là phụ thuộc nguyên phụ liệu. Ông Cẩm cho biết, Việt Nam nhập rất nhiều bông (khoảng 3 tỷ USD), vải trên 12 tỷ USD, nguyên phụ liệu trên 3,6 tỷ USD và chủ yếu nhập từ Trung Quốc, tiếp đến là Hàn Quốc.
Từ năm 2015-2017, nhập khẩu nguyên vật liệu bông vải sợi từ thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào giảm đi. Tuy vậy, Việt Nam vẫn phải nhập gần 99% bông, 1,3 triệu tấn sơ xợi, 80% vải...
Về may, Việt Nam có thế mạnh nhưng chủ yếu vẫn là hình thức gia công. Về trình độ lao động, 76% lao động trong ngành dệt may là lao động phổ thông.
Nhật Linh