Trong thời gian qua, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có đà hồi phục mạnh kể từ đáy 890 điểm hồi đầu tháng 7. Ba nhóm ngành thu hút được dòng tiền khá mạnh là dầu khí, thủy sản và dệt may.
Việc nhắm vào các cổ phiếu thủy sản và dệt may của giới đầu tư trong thời gian qua đến từ tâm lý kỳ vọng vào sự hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung của các doanh nghiệp (DN) trong ngành.
Đà bứt phá mạnh
Đạt mức tăng giá “khủng” nhất phải kể đến cổ phiếu ACL của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Cửu Long An Giang với mức tăng đạt 313,75% từ mức giá 8.000 đồng/cp hồi đầu năm lên 38.100 đồng/cp (giá đã điều chỉnh phiên 11/12).
Tương tự, cổ phiếu ANV của CTCP Nam Việt cũng có đà bứt phá ngoạn mục từ mức giá 10.000 đồng/cp hồi đầu năm lên 30.400 đồng/ cp như hiện tại, tương đương mức tăng 204%.
Cổ phiếu VHC của “Nữ hoàng cá tra” Vĩnh Hoàn cũng không nằm ngoài “sóng” ngành nói chung, với mức tăng đạt gần 91% từ mức giá 53.000 đồng/cp hồi đầu năm lên 101.000 đồng/cp như hiện nay.
Nếu tính tại mức giá đỉnh 113.600 đồng/ cp thiết lập được hồi giữa tháng 11, cổ phiếu VHC đã tăng 114,3% về thị giá.
Ngoài ra, các cổ phiếu nhóm ngành thủy sản khác như CMX của CTCP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex); FMC của CTCP Thực phẩm Sao Ta; ABT của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Bến Tre… cũng đạt mức tăng giá trung bình 50%.
Đáng chú ý, hầu hết các DN ngành thủy sản trên sàn đều thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ trung bình khoảng 20% cho các cổ đông trong thời gian qua. Như vậy, ngoài khoản lãi từ thị giá cổ phiếu tăng trưởng, các cổ đông của nhóm DN này còn được nhận một khoản lợi tức không nhỏ.
Cũng là một hiện tượng trên TTCK nhờ câu chuyện chiến tranh thương mại, cổ phiếu nhóm ngành dệt may đã đạt được mức tăng trưởng ấn tượng trong thời gian qua.
Cái tên nổi bật nhất trong ngành dệt may là GMC của CTCP Sản xuất Thương mại May Sài Gòn. Trong tháng 11 vừa qua, cổ phiếu này đã thiết lập được vùng đỉnh giá mới khi chạm mốc 45.000 đồng, tương đương mức tăng 93% kể từ đầu năm.
Dù những phiên giao dịch gần đây đã có sự điều chỉnh giá về mức 36.750 đồng/cp (phiên 11/12), cổ phiếu GMC vẫn ghi nhận mức tăng 57,7% so với đầu năm.
Cổ phiếu TNG của CTCP Đầu tư và Thương mại TNG cũng ghi nhận mức tăng đột biến từ mức giá 11.000 đồng lên 19.000 đồng/cp (phiên 11/12), tăng 72,7% từ đầu năm.
Không tăng trưởng mạnh như những cổ phiếu nói trên, nhưng MPT của CTCP May Phú Thành, GIL của CTCP Sản xuất Kinh doanh Xuất nhập khẩu Bình Thạnh, VGC của Vinatex, TCM của Dệt may Thành Công cũng có mức tăng giá ấn tượng so với đầu năm.
Không thể phủ nhận chiến tranh thương mại đã và đang tạo ra cơ hội cho một số nhóm ngành của Việt Nam đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu, đặc biệt là nhóm thủy sản và dệt may.
![]() |
Thị giá cổ phiếu nhóm ngành dệt may và thủy sản bứt phá mạnh |
Chủ yếu do tâm lý
Ngoài ra, trong thời gian tới, các DN xuất khẩu hai ngành này còn được kỳ vọng sẽ được hưởng lợi rất nhiều từ Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 và Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vừa kết thúc đàm phán.
Nhận định về vấn đề cổ phiếu thủy sản và dệt may có thực sự được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại và các hiệp định hay không, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới CTCP Chứng khoán VNDirect, cho rằng dù cuộc chiến tranh thương mại có được duy trì thì ngành dệt may cũng không được hưởng lợi nhiều, mà chỉ được hưởng lợi về tâm lý các nhà đầu tư cá nhân.
Theo ông Tuấn, biên lợi nhuận của ngành dệt may vẫn thấp do mới ở trong giai đoạn gia công, chi phí nguyên phụ liệu, nhân công còn chiếm phần lớn doanh thu…
Về ngành thủy sản, ông Tuấn cho rằng ngành này có thể được hưởng lợi bởi sản phẩm cá, tôm của Việt Nam có chất lượng tốt và đây là cơ hội cho các DN gia tăng doanh thu từ các hợp đồng “khủng” như Vĩnh Hoàn, Minh Phú, Sao Ta…
Tuy nhiên, giả sử cuộc chiến tranh thương mại giảm nhiệt thì hiệu ứng tâm lý kỳ vọng ban đầu có thể phản tác dụng. Chiến tranh thương mại có thể tạo ra cơ hội thì cũng luôn đi kèm rủi ro, bởi Trung Quốc có thể “mượn đường” Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và Việt Nam rất có thể sẽ bị các cuộc điều tra về nguồn gốc hàng hóa.
Cần lưu ý, trước mắt tuy chưa có vụ trừng phạt thương mại nào đối với Việt Nam, song không ít ngành hàng của Việt Nam đã bị tổn thương vì chính sách thuế nặng dành cho các mặt hàng xuất từ Việt Nam có hàm lượng hay nguồn gốc “made in China”, điển hình như thép.
Cũng đưa ra nhận định về vấn đề này, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA) tại Việt Nam, cho rằng chiến tranh thương mại xảy ra, không quốc gia nào hưởng lợi từ Mỹ cho đến Trung Quốc. Việt Nam cũng vậy, sức ép đồng nội tệ là rất lớn, khi đồng nội tệ mất giá, dòng tiền rút ra khỏi TTCK.
Thống kê cho thấy, TTCK Việt hiện đang hút ròng chứ không phải rút ròng, chính sách ổn định kinh tế vĩ mô giúp thị trường chống lại tốt nhất những hệ quả của chiến tranh thương mại.
Linh Đan