Mới đây, cơ quan thuế tiếp tục “bêu tên” một loạt cái tên doanh nghiệp (DN) FDI bị truy thu hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế như: Coca Cola Việt Nam, Heineken Asia Pacific, Standard Chartered… Thực tế này cũng đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc cần xây dựng hành lang pháp lý chặt chẽ hơn nữa để chống chuyển giá, trốn thuế, gây thất thu ngân sách.
Chỉ tên nhiều “đại gia” FDI
Tổng cục Thuế cho biết trong năm 2019, hàng loạt DN FDI lớn bị cơ quan thuế thanh kiểm tra và phát hiện dấu hiệu chuyển giá, trốn thuế. Riêng tổng số tiền kiến nghị, xử lý qua thanh tra, kiểm tra là trên 64.525 tỷ đồng.
Trong số các DN bị truy thu thuế có nhiều “ông lớn” như Coca Cola Việt Nam, Heineken Asia Pacific, công ty Holcim Việt Nam và Ngân hàng Standard Chartered, Holcim Việt Nam…
Cụ thể, qua công tác thanh kiểm tra, cơ quan thuế đã yêu cầu công ty Heineken Việt Nam đóng hơn 916 tỷ đồng tiền thuế và tiền chậm nộp vào ngân sách và DN đã chấp hành; công ty Holcim Việt Nam bị truy thu 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered bị truy thu 19 tỷ đồng; Coca-Cola Việt Nam bị cơ quan thuế yêu cầu phải nộp vào ngân sách hơn 821 tỷ đồng tiền truy thu thuế và phạt chậm nộp…
Trước đó, 2 thương vụ chuyển nhượng vốn đình đám của 2 “đại gia” FDI ngành bán lẻ là công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) và hệ thống siêu thị Big C cũng gây chú ý.
Hai tập đoàn này bị ngành thuế phát hiện hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) cho “đại gia” bán lẻ Thái Lan Central Group vào tháng 4/2016 với trị giá hơn 1 tỷ euro nhưng không chủ động nộp thuế. Chỉ đến khi Tổng cục Thuế có tối hậu thư như nếu không nộp thuế sẽ không cho đổi chủ, bên bán đã phải ủy quyền cho bên mua nộp thuế thay với hơn 2.000 tỷ đồng. Metro Việt Nam cũng bị truy thu hơn 4.000 tỷ đồng.
Đại diện Vụ Thanh tra, Tổng cục Thuế, cho biết về cơ bản, chuyển giá là việc thực hiện chính sách giá đối với hàng hóa, dịch vụ và tài sản được chuyển dịch giữa các thành viên trong tập đoàn hay nhóm liên kết không theo giá thị trường nhằm tối thiểu hóa số thuế của các tập đoàn hay của nhóm liên kết.
Đơn giản, là việc các thành viên trong tập đoàn cấu kết với nhau để nâng giá vật tư, thiết bị đầu vào, kéo giảm lợi nhuận, thậm chí lỗ để không phải đóng thuế.
Đơn cử, trường hợp Coca-Cola Việt Nam có thể liên tục kê khai lỗ ở chi phí nguyên phụ liệu, trong đó chủ yếu hương liệu được nhập trực tiếp từ công ty mẹ với giá rất cao. Trung bình chi phí nguyên phụ liệu chiếm trên 70% giá vốn, cá biệt chi phí nguyên phụ liệu năm 2006 – 2007 lên đến 80 – 85% giá vốn.
Do đó, từ khi “đặt chân” vào thị trường Việt Nam đến năm 2012, DN này báo lỗ lũy kế lên đến 3.768 tỷ đồng, vượt cả số tiền đầu tư ban đầu của tập đoàn là 2.950 tỷ đồng.
Cơ quan thuế cho biết sau nhiều nỗ lực đấu tranh của phía Việt Nam, đến năm 2013, Coca-Cola Việt Nam đã bắt đầu báo lãi và nộp thuế thu nhập DN cho Chính phủ Việt Nam. Năm 2013, công ty này bắt đầu kê khai lãi 150 tỷ đồng và tiếp tục lãi 350 tỷ đồng trong năm 2014. Tuy nhiên, do DN được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên đến thời điểm đó, Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế thu nhập DN.
Thực tế, hoạt động chuyển giá, trốn thuế không chỉ dừng lại ở mỗi DN FDI, các DN nội hiện nay cũng đang thực hiện chuyển giá để “né” thuế. Dù không báo lỗ liên tục như các DN FDI nhưng cũng khiến ngân sách nhà nước thất thu.
Đơn cử như Asanzo đã sử dụng các công ty do người lao động của Asanzo làm đại diện (chưa chứng minh được Asanzo có điều hành) để thực hiện các hành vi mua bán thiết bị nhằm gia tăng giá trị. Ngoài ra, các công ty này có dấu hiệu ghi cao hơn giá trị giao dịch với mục đích trốn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập DN…
![]() |
Không ít DN FDI nằm trong nghi vấn chuyển giá, trốn thuế |
Chờ chính sách, công cụ mới
Bà Nguyễn Vân Chi, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, cũng cho rằng chuyển giá là hiện tượng tự nhiên, xảy ra ở cả các công ty đa quốc gia khi vào Việt Nam cũng như cả các tổng công ty trong nước.
Tuy nhiên, theo bà Chi, cần làm rõ những hoạt động chuyển giá như thế nào là đúng quy định, như nào là chuyển giá nhằm chuyển lợi nhuận về nơi có chế độ thuế thấp hơn để lợi dụng tránh thuế.
Tại hội nghị triển khai công tác thuế năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn cho biết trong năm 2020, ngành thuế sẽ tập trung thanh tra các DN có giao dịch liên kết chiếm tỷ trọng lớn, DN FDI có phát sinh lỗ nhiều năm nhưng vẫn đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh; các tổ chức cá nhân có giao dịch đáng ngờ.
Điển hình, Coca-Cola và Heineken là 2 DN đầu tiên trong danh sách các DN FDI sắp tới sẽ tiếp tục bị kiểm tra.
Ông Tuấn cũng cho biết để chống chuyển giá, Việt Nam sẽ ban hành Luật trong thời gian sắp tới. Đây là công cụ để chống lại tập đoàn xuyên quốc gia có hành vi chuyển giá, trốn thuế.
Hiện, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung khoản 3 điều 8 Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết. Trong đó, điểm quan trọng nhất được sửa đổi là việc tăng trần chi phí lãi vay cho DN từ 20% lên 30%. Ngoài ra, Việt Nam cũng ký 77 hiệp định về chống đánh thuế 2 lần giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, dữ liệu được liên tục trao đổi. Điều này là cơ sở để cơ quan thuế chỉ rõ, điểm mặt các DN FDI có hành vi lẩn tránh thuế, trốn thuế chứ không chỉ là nghi vấn như trước.
Từ 1/7/2020, khi Luật Quản lý thuế sửa đổi có hiệu lực sẽ là căn cứ quan trọng để cơ quan thuế tiếp tục đấu tranh với chuyển giá, trốn thuế. Những tập đoàn FDI liên tục báo lỗ sẽ tiếp tục nằm trong danh sách thanh, kiểm tra.
Hoàng Hà
Ts. Lê Đăng Doanh - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Để phát hiện ra việc DN trốn thuế, cơ quan chức năng của Việt Nam phải hợp tác quốc tế với cơ quan chức năng của các nước có trụ sở của DN FDI. Nếu có sự quyết liệt hợp tác của cơ quan quản lý thuế của Việt Nam với các nước, hoàn toàn có thể tìm ra được nhiều trường hợp giống như Coca-Cola. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng nên công khai DN FDI lớn có dấu hiệu chuyển giá như báo lỗ liên tiếp nhiều năm nhưng vẫn mở rộng sản xuất. Ông Nguyễn Đức Nghĩa - Chủ nhiệm CLB Đại lý thuế Tp.HCM Nên có cơ quan điều tra về thuế để điều tra các nghi án trốn thuế, chuyển giá, các DN kê khai lỗ liên tục, thậm chí lỗ quá vốn chủ sở hữu mà vẫn mở rộng hoạt động. Luật Quản lý thuế đã từng đề xuất vấn đề này nhưng sau đó đã rút lại. Ngoài ra, với những DN chuyển giá, trốn thuế, ngành thuế nên đưa vào “tầm ngắm” và thường xuyên kiểm tra, công bố rộng rãi sẽ tạo dư luận xã hội. Các tập đoàn đa quốc gia cũng tự có sự điều chỉnh vì thấy rằng nếu để những sự việc như thế này xảy ra thì uy tín cũng mất. PGs.Ts Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Hiện tượng trốn tránh thuế thu nhập DN, tránh thuế thông qua chuyển lãi vay ở Việt Nam diễn ra với quy mô ngày càng lớn, phức tạp, tinh vi. Điển hình cho việc tránh thuế thông qua chuyển lãi vay này là trường hợp các công ty chế biến trà xuất xứ từ Đài Loan, bao gồm công ty chế biến trà Ô Long Jun Chơ, công ty Trà Đài Loan, công ty Trà Kinh Lộ, hay công ty King Wan Chen... đều vay nợ từ các công ty mẹ với chi phí lãi vay rất cao và liên tục báo lỗ. Nhờ đó, họ tránh được thuế thu nhập đáng ra phải nộp ở Việt Nam. |