Báo cáo về kinh tế nhà nước và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), đánh giá thực hiện 2011-2020 của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho thấy, DNNN là động lực cho tăng trưởng nhưng tỷ trọng giảm dần trong GDP, tạo việc làm, đầu tư.
Năng suất lao động bình quân cao nhưng hiệu quả đầu tư (ICOR) thấp so với thành phần kinh tế khác.
"Nhìn trên tổng thể kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao, vai trò của kinh tế nhà nước chưa rõ nét trong việc "dẫn dắt, tạo động lực phát triển với nền kinh tế và là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế", CIEM đánh giá.
![]() |
Tốc độ tăng trưởng của DNNN chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra và nguồn lực đầu vào (Ảnh: Internet) |
Về cổ phần hóa (CPH), thoái vốn DNNN, việc điều chỉnh tiêu chí phân loại và thực hiện cổ phần hóa, sắp xếp DNNN đã giúp giảm mạnh về số lượng DNNN: từ khoảng 6.000 DN năm 2001 giảm xuống còn 1.369 DN năm 2011 và 526 DN năm 2018.
Vì vậy, CIEM đánh giá mặc dù CPH, thoái vốn DNNN vẫn có thể hoàn thành kế hoạch số lượng CPH đến năm 2020 nhưng chắc chắn không hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng.
Chưa đạt mục tiêu thu hút đầu tư xã hội, dẫn tới vẫn phải duy trì cổ phần nhà nước ở mức cao, chưa thể rút vốn nhà nước để đầu tư vào ngành, lĩnh vực cần tới vai trò của kinh tế nhà nước, của DNNN.
Vì vậy, chưa đạt mục tiêu "DNNN có cơ cấu hợp lý hơn", vốn nhà nước còn hiện diện ở hầu hết các ngành kinh doanh trong thời gian tới.
Đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN, CIEM cho biết, tốc độ tăng trưởng chưa tương xứng giữa kết quả đầu ra (doanh thu) và nguồn lực đầu vào (tài sản, vốn kinh doanh) làm giảm hiệu quả đầu tư của DNNN nói riêng, kinh tế nhà nước nói chung.
Đặc biệt, để tạo ra 1 đồng giá trị gia tăng, DNNN đang phải sử dụng nhiều vốn hơn DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và DN tư nhân trong nước.
Mặc dù tỷ suất lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động cao hơn mức bình quân của DN Việt Nam. Tuy nhiên, số liệu bình quân chưa phản ánh đúng và đầy đủ hiệu quả của phần lớn DNNN.
Trong đó, tổng lợi nhuận của khu vực DNNN phụ thuộc vào một vài DNNN lớn trong các ngành có mức độ cạnh tranh thấp (khai khoáng, viễn thông, năng lượng); ở các ngành có cạnh tranh cao như thương mại, xây dựng, chế biến chế tạo... hiệu quả kinh doanh của DNNN còn thấp, chứng tỏ áp lực cạnh tranh làm bộc lộ nhiều nhược điểm của DNNN.
Theo CIEM, một trong những nguyên nhân khiến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của DNNN còn thấp là do cơ chế quản trị DNNN chậm đổi mới, kém hiệu quả, chưa phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; cách thức điều hành tại nhiều DNNN còn lạc hậu. Thiếu công cụ quản trị DN hiện đại dẫn đến chậm hoặc không phát hiện được các vấn đề phát sinh, gây thất thoát tiêu cực trong kinh doanh.
Lê Thúy