Mới đây, ở TP.Đà Nẵng, hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi, xe hợp đồng dưới 9 chỗ ngồi trên địa bàn (bao gồm các loại hình có sử dụng ứng dụng điện tử để hỗ trợ kết nối vận tải) đã được chính quyền thành phố này cho phép hoạt động trở lại.
Khó chồng thêm khó
Tuy nhiên, để đảm bảo thực hiện quy định về phòng, chống dịch Covid-19 thì mỗi phương tiện chỉ được vận chuyển số lượng hành khách tối đa không quá 1/2 số ghế trên xe theo quy định.
![]() |
Nhiều DN kinh doanh vận tải duy trì hoạt động trong tình thế khó khăn do tác động triền miên của dịch Covid-19. |
Trước đó, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan thì từ ngày 9/5/2021 Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng đã có văn bản về việc tạm dừng hoạt động vận tải khách của xe tuyến cố định, xe hợp đồng, xe du lịch, xe taxi, xe buýt đến tỉnh Thừa Thiên - Huế và dừng hoạt động trung chuyển người, xe máy qua hầm đường bộ Hải Vân.
Và trước những tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với hoạt động kinh doanh vận tải, cuối tháng 5/2021 này Hiệp hội Taxi Đà Nẵng cùng với Hiệp hội taxi TP.HCM, Hà Nội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vận tải vượt qua khó khăn.
Như phản ánh của 3 hiệp hội taxi nêu trên thì hàng loạt các DN taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng. Đời sống của các tài xế taxi đang lao đao, không có thu nhập khi lượng hành khách giảm đến 80-90%, dẫn đến doanh thu sụt giảm nghiêm trọng.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay, không chỉ các hãng taxi mà các HTX, DN kinh doanh vận tải hành khách, vận chuyển hàng hoá cũng đang gặp khó khăn khi doanh thu sụt giảm mạnh vào những thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại.
Trước tình trạng các DN vận tải tiếp tục gặp khó khăn do dịch bệnh, trao đổi với VnBusiness, ông Trần Minh Tâm, chủ một DN vận tải ở TP.HCM, cho biết điều mà các DN kinh doanh vận tải mong muốn trong lúc này là các cơ quan có thẩm quyền nên xem xét giảm một số loại phí đối với lĩnh vực vận tải hàng hóa để hỗ trợ các DN vận tải tồn tại, duy trì hoạt động.
Theo ông Tâm, doanh thu mỗi chuyến hàng chỉ đủ trang trải chi phí vận hành, nhân lực... do các chi phí đều tăng so với trước. Bản thân công ty do quy mô nhỏ, nguồn lực hạn hẹp nên gặp nhiều khó khăn hơn các DN vận tải lớn, giữa thời điểm này buộc phải cắt giảm bớt phương tiện do nhu cầu vận chuyển ít đi.
Ngoài ra, theo nhận định của nhiều chủ DN vận tải thì dịch bệnh còn diễn biến phức tạp nên khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới sẽ là vấn đề nan giải.
“Điều này ảnh hưởng dây chuyền đến việc sụt giảm doanh thu của các DN vận tải hàng hoá, trong khi có nhiều DN còn đang chịu áp lực phải thanh toán một phần tiền gốc cộng với lãi vay cho các khoản đầu tư của DN”, ông Tâm chia sẻ thêm.
Nên cắt gọn thủ tục, hỗ trợ sát thực tế
Thực ra, để hỗ trợ DN vận tải gặp khó do dịch Covid-19 thì từ tháng 4/2021 Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có kiến nghị Chính phủ áp dụng chính sách ưu đãi vốn vay, giảm thuế phí, giãn thời hạn nộp thuế…
Đơn cử như kiến nghị hỗ trợ phí bảo trì đường bộ đối với các xe ôtô kinh doanh vận tải hành khách được giảm 30%; xe ôtô tải kinh doanh vận tải được giảm 10% kéo dài hết ngày 31/12/2021.
Ngoài ra, để hỗ trợ đơn vị kinh doanh vận tải khôi phục sản xuất kinh doanh như giảm thuế giá trị gia tăng về 0%; giảm 50% thuế thu nhập DN; cho giãn nộp 6 tháng đối với số thuế còn nợ đọng đến hết năm 2021 (không tính lãi chậm nộp)...
Giới chuyên gia cho rằng để “giải vây” cho các DN vận tải duy trì hoạt động giữa thế khó như hiện nay thì các chính sách hỗ trợ cần được triển khai nhanh chóng, kịp thời và sát thực tế hơn nữa. Kể cả ở khâu thủ tục nếu đang có rào cản gì thì cũng nên tháo gỡ sớm.
Chẳng hạn như mới đây, góp ý Dự thảo Báo cáo và quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa các quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh của Bộ GTVT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có đề nghị nên cân nhắc, xem xét bỏ quy định về thủ tục đăng ký khai thác tuyến.
Theo VCCI, trong thủ tục Đăng ký khai thác tuyến (điểm 1.1 Mục II Phương án) thì phương án đã đề xuất thay đổi phương thức giải quyết thủ tục, nâng lên thành giải quyết thủ tục hành chính cấp độ 4 trên dịch vụ công trực tuyến.
“Việc thay đổi phương thức thực hiện thủ tục cũng sẽ góp phần cắt giảm chi phí tuân thủ cho DN. Tuy nhiên, cần đánh giá rộng hơn và có đề xuất cải cách hơn, đó là xem xét tính hợp lý của loại thủ tục này, có cần thiết phải giữ thủ tục này hay không ?”, phía VCCI đặt vấn đề.
Như nhiều lần trước đó, VCCI có kiến nghị bỏ quy định này, bởi vì đây là quy định ảnh hưởng đáng kể đến thị trường cạnh tranh và tạo ra gánh nặng về thủ tục hành chính cho DN.
Theo đó, hoạt động khai thác tuyến vận tải hành khách cố định nên được thiết kế là giao dịch giữa đơn vị kinh doanh vận tải và bến xe khách, thay vì quy định phải chọn từng thời điểm để khai thác và phải thực hiện thủ tục đăng ký khai thác tuyến với cơ quan quản lý Nhà nước.
![]() |
Thế Vinh