Ông Nguyễn Văn Hưng, chủ một doanh nghiệp (DN) kinh doanh vận tải ở tỉnh Bình Dương, than thở hoạt động vận chuyển hàng hoá cho các đối tác của DN hậu Covid - 19 không nhộn nhịp như trước đây, doanh thu chỉ bằng khoảng 1/3 so với khi chưa xảy ra dịch bệnh.
Chật vật hậu Covid-19
Việc tụt giảm nguồn thu khiến cho DN vừa chật vật trong việc duy trì số tài xế và xe tải chuyển chở hàng hoá cũng như đối mặt những khó khăn về tài chính.
“Không chỉ giảm doanh thu, nợ nần vẫn luôn ám ảnh. Cuối năm ngoái, tôi vay người thân 3 tỷ đồng để đầu tư thêm một số xe tải mới, tiền lãi mỗi tháng hơn 20 triệu đồng, do vậy rất áp lực”, ông Hưng nói.
Theo vị chủ DN này, do việc vay vốn ngân hàng có khá nhiều thủ tục phức tạp nên ông phải chọn cách huy động tiền từ người thân với lãi suất có phần cao hơn ngân hàng.
Do vay tiền của người thân nên giấy tờ xe ông Hưng vẫn giữ, nhất là khi nào có tiền thì trả hết một lần cũng được. Còn với ngân hàng, hầu hết các hợp đồng cho vay đều “trói” DN với điều kiện phải vay thời hạn 5 năm và không được trả trước. Gần như DN làm quần quật chỉ đủ ăn, còn bao nhiêu lời là “nuôi” các ngân hàng.
Cũng chính từ việc né vay vốn ngân hàng và đi vay bên ngoài với lãi suất quá cao, lại đang làm ăn khó khăn, nên nhiều DN, HTX vận tải như ông Hưng đang xảy ra tình trạng bị “chảy máu” phương tiện.
Nhiều chủ phương tiện tách ra làm ăn riêng, tuy chỉ có 2 - 3 phương tiện vận tải nhưng đã thành lập DN tư nhân với quy mô rất nhỏ rồi quay lại cạnh tranh nhau.
Và các DN tư nhân có quy mô nhỏ này thường lách các quy định hiện hành để khai thác tối đa phương tiện vừa đảm bảo đủ tiền trả lãi vay hàng tháng.
Tăng thủ tục xin - cho không cần thiết
Nhưng điều mà ông Hưng lo lắng nhất là trong dự thảo lần 2 về luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), ở Điều 103 có quy định để lái xe kinh doanh vận tải bên cạnh việc phải có giấy phép lái xe (các hạng tương ứng với từng loại xe vận tải) người lái xe phải có “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”, ông Hưng than vãn: "DN vận tải đang gặp khó mà gặp quy định như vậy càng làm cho họ “nhức đầu” thêm"
![]() |
DN vận tải đang gặp khó hậu Covid-19, đừng để họ thêm khó với thủ tục “xin - cho” |
Mới đây, góp ý mới đây về Điều 103 ở bản dự thảo lần 2 này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng đây là một loại giấy phép mới so với hiện hành, trong văn bản góp ý lần 1, VCCI đã từng có ý kiến về loại giấy phép này.
Cụ thể là “tăng thủ tục xin - cho không cần thiết”. Để được cấp giấy phép lái xe, người lái xe phải hoàn thành khóa đào tạo (đào tạo để cấp các loại giấy phép lái xe, đào tạo để nâng hạng giấy phép) và trải qua kỳ sát hạch để được cấp phép.
Theo đó, để được cấp chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải, người lái xe lại tiếp tục được đào tạo “nghiệp vụ vận tải và kỹ năng lái xe an toàn” và tham gia kiểm tra để được cấp chứng chỉ.
Điều này rõ ràng trùng lặp về mục tiêu quản lý và có nguy cơ trùng lặp về nội dung đào tạo. Nói cách khác, theo VCCI, “giấy phép lái xe” đã đủ để bảo đảm mục tiêu suy đoán của “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.
Thực ra, trước đó nhóm soạn thảo bản dự thảo luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã giải trình là sẽ chỉnh lý dự thảo theo hướng “khi học người lái xe có thể đăng ký để được đào tạo về nghiệp vụ hành nghề lái xe kinh doanh (nếu có nhu cầu) và được cấp đồng thời giấy phép lái xe và chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.
Theo giải trình này thì vẫn sẽ có chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải và thủ tục cấp giấy phép này sẽ được cấp đồng thời với giấy phép lái xe. Tuy nhiên, giải trình vẫn chưa lý giải về tính hợp lý phải có loại giấy phép này.
Vì vậy, nhìn dưới góc độ của tính hợp lý, mục tiêu quản lý nhà nước, cũng như tinh thần tinh giản thủ tục hành chính, VCCI vẫn đề nghị bỏ quy định về việc cấp “chứng chỉ hành nghề lái xe kinh doanh vận tải”.
Ngoài ra, ở khoản 2 Điều 112 (điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô) của dự thảo quy định về điều kiện “phương tiện phải bảo đảm số lượng, chất lượng và niên hạn sử dụng phù hợp với loại hình kinh doanh; phải gắn thiết bị giám sát hành trình, camera theo quy định”.
Theo phản ánh của nhiều DN vận tải, yêu cầu phương tiện phải đảm bảo số lượng phù hợp với loại hình kinh doanh là chưa hợp lý và can thiệp vào quyền tự chủ kinh doanh của DN.
Đối với việc yêu cầu lắp camera, các DN vận tải cho rằng cần phải đánh giá về quy định này khi triển khai trên thực tế, bởi yêu cầu này gia tăng gánh nặng về chi phí kinh doanh và liên quan đến quyền bảo mật kinh doanh của DN và quyền riêng tư của khách hàng.
Đối với điều kiện “người điều hành hoạt động vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải ô tô phải có trình độ chuyên môn về vận tải” (khoản 4), VCCI khẳng định điều này chưa phù hợp với tính chất của quy định về điều kiện kinh doanh vì không nhằm hướng đến bảo đảm lợi ích công cộng nào.
Thế Vinh