Theo đánh giá, Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 lần đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam (từ ngày 10-12/10) đã mở ra cơ hội cho các thương nhân nước ngoài, thương nhân trong nước, các tổ chức hỗ trợ, dịch vụ, nhà quản lý… trong ngành lúa gạo khắp thế giới đến Việt Nam tìm hiểu, giao lưu, trao đổi, học hỏi và tiếp cận cách quản lý, quy trình sản xuất, kinh doanh, quản trị chất lượng, phát triển thị trường và làm thương hiệu gạo của các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.
Thị trường ngày càng khó tính
Tại Hội nghị, các nhà nhập khẩu (NK) gạo hàng đầu thế giới cũng cho biết những nhu cầu gạo trong thời gian tới. Theo đại diện Trung Quốc, dự báo trong một vài năm tới, nhu cầu gạo của nước này vẫn duy trì ổn định, tuy có sự dịch chuyển sang các mặt hàng chất lượng cao, đòi hỏi các thị trường xuất khẩu (XK) phải đáp ứng.
Cùng với đó, đại diện Philippines cho biết do thường xuyên phải đối mặt với tình hình thời tiết bất lợi nên mỗi năm, quốc gia này phải NK tới 1,5 triệu tấn gạo, đứng thứ 4 thế giới. Năm 2018, quý I và II, Philippines đã mở gói thầu NK 700.000 tấn gạo, dự kiến tháng 10 có kế hoạch NK thêm 250.000 tấn.
Tương tự như Trung Quốc, người tiêu dùng Philippines đang có xu hướng sử dụng các loại gạo ngon, thơm và chất lượng.
Nhìn vào thực tế ngành lúa gạo Việt Nam, theo các chuyên gia quốc tế, gạo Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường mới buộc phải có hệ thống tiêu chuẩn. Nói tới gạo trắng Thái Lan, người dùng thế giới hiểu ngay là gạo gì, hay nói tới gạo Thái Hom Mali, người dùng cũng biết được hương vị của nó.
"Gạo Việt Nam phải có tiêu chuẩn. Có thể ở thị trường trong nước, các bạn cho rằng sản phẩm của mình đã tốt. Tuy nhiên, nếu so với thế giới, ngành lúa gạo Việt Nam cần phải cải thiện hơn nữa", ông Jeremy Zwinger, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Tạp chí The Rice Trader đánh giá.
![]() |
Sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam đứng trước nhiều cơ hội mới |
Cần chiến lược thích ứng
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhiều loại gạo Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn của châu Âu (EU). Đây sẽ là thiệt thòi khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU chính thức có hiệu lực. Cũng như để bán trực tiếp cho khách hàng châu Âu, ngành gạo Việt Nam cần phải xây dựng được thương hiệu.
Chỉ như vậy, Việt Nam mới có thể XK gạo vào thị trường không truyền thống với khối lượng lớn thay vì một số thị trường ở châu Á và châu Phi như hiện nay.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết ngành lúa gạo Việt Nam đứng trước các cơ hội như có nhiều hiệp định song phương, đa phương đã được ký kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN hợp tác và phát triển.
Trình độ khoa học công nghệ đã phát triển ở mức cao, công nghệ 4.0 có thể áp dụng trong sản xuất lúa gạo. Các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình sản xuất an toàn đã đáp ứng được các thị trường trong nước và XK.
Bên cạnh đó, ngành này cũng đối mặt với các thách thức như cạnh tranh toàn cầu trong sản xuất và kinh doanh lúa gạo ngày càng gia tăng, đặc biệt cạnh tranh về chất lượng và giá trị. Cơ sở hạ tầng trong sản xuất lúa gạo còn hạn chế, nhất là vấn đề logistics.
Vì vậy, thời gian tới, ngành sẽ tập trung đầu tư nghiên cứu, phát triển giống lúa có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu nội tiêu và XK.
Đồng thời, đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nhằm giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất.
Xây dựng vùng sản xuất lúa hàng hóa trọng điểm nhằm đảm bảo an ninh lương thực và XK, tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ trong vùng sản xuất, đẩy mạnh công tác chế biến, bảo quản, sơ chế và các sản phẩm chuyên sâu sau gạo. Nâng thương hiệu gạo Việt Nam ở tầm quốc tế nhằm nâng cao giá trị lúa gạo Việt Nam.
Ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công Thương, bổ sung thêm, thời gian tới, ngành lúa gạo sẽ phát triển thị trường XK gạo theo hướng đa dạng hóa thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định để phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế về kinh tế và hợp tác quốc tế về đầu tư sản xuất, chế biến, XK gạo; khai thác cơ hội, tiềm năng, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn; góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo, phải NK lương thực trở thành một trong ba quốc gia XK lương thực lớn nhất trên thế giới với lượng XK trung bình hàng năm khoảng 5 – 6 triệu tấn gạo.
Theo Phó Thủ tướng, khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn sản xuất các sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.
Thy Lê