Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh điều này tại Hội nghị Thương mại gạo thế giới lần thứ 10, tổ chức sáng 11/10.
![]() |
Phó Thủ tướng mong muốn: Các chuyên gia quốc tế sẽ có nhiều chia sẻ, ý kiến đóng góp cho hướng đi, hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam |
Theo Phó Thủ tướng, sau 30 năm đổi mới, sản xuất lúa gạo của Việt Nam đã đạt được những thành quả to lớn; góp phần quan trọng đưa Việt Nam từ cảnh thiếu ăn, đói nghèo, phải nhập khẩu lương thực trở thành một trong 3 quốc gia xuất khẩu lương thực lớn nhất trên thế giới với lượng xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng 5 - 6 triệu tấn gạo.
Sản xuất, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã chuyển mạnh theo hướng chất lượng và giá trị gia tăng; thúc đẩy sản xuất an toàn, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ được quan tâm phát triển.
Mới đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định mới về kinh doanh xuất khẩu gạo và một chiến lược riêng về phát triển thị trường xuất khẩu gạo.
Theo đó, bên cạnh tạo dựng môi trường thông thoáng cho hoạt động sản xuất, thương mại gạo, Chính phủ cũng đặt ra mục tiêu, yêu cầu tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, tham gia sâu vào chuỗi giá trị gạo toàn cầu và phải xây dựng, khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Việc Việt Nam phối hợp tổ chức Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 khẳng định sự quan tâm, ủng hộ của Chính phủ Việt Nam đối với sự phát triển của ngành công nghiệp sản xuất gạo, đối với hợp tác quốc tế trong khu vực và toàn cầu về sản xuất, thương mại gạo.
Sản xuất lúa gạo và thương mại gạo khu vực và toàn cầu đang thay đổi nhanh trong bối cảnh toàn cầu hóa và gia tăng liên kết, hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Bên cạnh thuận lợi từ xu thế hội nhập, sản xuất lúa gạo còn đã, đang và sẽ chịu tác động ngày càng lớn của biến đổi khí hậu, của làn sóng đô thị hóa. Tình hình chính trị - xã hội tại nhiều khu vực trên thế giới tiếp tục diễn biến bất ổn, một số dịch bệnh mới xuất hiện có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, khả năng cung cấp lương thực và hoạt động thương mại gạo.
Tuy nhiên, khoa học công nghệ, đặc biệt là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mới đây hứa hẹn là hướng phát triển sản xuất lúa gạo vượt ra khỏi quan niệm truyền thống, không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn sản xuất các sản phẩm mới, chế phẩm mới từ lúa gạo.
Theo Phó Thủ tướng, năm nay là năm kỷ niệm tròn 10 năm Hội nghị gạo thế giới và rất vinh dự cho Việt Nam là nước phối hợp tổ chức Hội nghị trong lần kỷ niệm này.
"Hy vọng với thông điệp của Hội nghị năm nay là “Đầu tư vào ngành gạo trong tương lai”, chúng ta sẽ cùng thảo luận các vấn đề quan trọng đối với sự phát triển thương mại gạo toàn cầu, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất gạo bền vững, trong quản lý chuỗi cung ứng, xây dựng và phát triển thương hiệu gạo và ứng dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong ngành lúa gạo. Hy vọng các quý vị đại biểu và các chuyên gia quốc tế cũng sẽ có nhiều chia sẻ, ý kiến đóng góp cho hướng đi, hướng phát triển sản xuất, thương mại gạo của Việt Nam", Phó Thủ tướng mong muốn.
Nhật Linh