Rốt cuộc, sau khi bản dự thảo cuối Tiêu chuẩn quốc gia TCVN-12607:2019 về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) soạn thảo vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ dư luận, ngày 12/3, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho biết tạm dừng thẩm định dự thảo này để tiếp tục xin ý kiến các tổ chức, hiệp hội và tổ chức đối thoại để đảm bảo các điều kiện.
Bộc lộ bất cập
Rõ ràng, đây là một bài học cho những người soạn thảo tiêu chuẩn này khi đề ra những quy định máy móc làm khó doanh nghiệp (DN) và không sát với thực tế. Nói như bà Ngô Thị Kim Thọ, Phó Chủ tịch Hội nước mắm Nha Trang, đó là một bản dự thảo được viết rất dài dòng nhưng rồi cuối cùng lại khó hiểu và không thể quản lý được!
"Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN02- 16:2012/BNNPTNT ban hành từ năm 2012 đã được áp dụng rất thực tế trong hoạt động sản xuất và quản lý 7 năm nay, rất sát sườn với những việc mà cơ sở sản nước mắm thực hiện và họ chấp nhận quy chuẩn này. Vì vậy, lẽ ra trong quá trình biên soạn dự thảo TCVN- 12607:2019 cũng nên dựa vào quy chuẩn đó", bà Thọ nhấn mạnh.
Chính Thứ trưởng Phạm Công Tạc cũng cho rằng việc xây dựng một bộ tiêu chuẩn cần đảm bảo các yếu tố phù hợp với trình độ phát triển của đất nước, đảm bảo sự đồng thuận, đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên liên quan.
Trong khi đó, dự thảo TCVN-12607:2019 do Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản lại không đảm bảo ba điều kiện trên khi chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN) để thẩm định.
Ở một diễn biến khác, theo thông tin mới đây, Bộ TN&MT đã phải ban hành Thông tư 01/2019 để ngưng hiệu lực thi hành một số quy định chồng chéo trong hai Thông tư 08/2018 và 09/2018 về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu (NK) làm nguyên liệu sản xuất.
Đơn cử như ngưng hiệu lực thi hành "quy định trách nhiệm của cơ quan kiểm tra có liên quan đến các hoạt động kiểm tra, tiếp nhận văn bản về kết quả giám định lô hàng phế liệu NK, thông báo kết quả kiểm tra nhà nước hoặc xử lý theo quy định đối với trường hợp phế liệu NK không phù hợp quy chuẩn".
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành và cơ quan chức năng thay đổi phương thức kiểm tra về phế liệu NK để tháo gỡ cho DN nhập phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Bộ TN&MT được yêu cầu gỡ bỏ bất cập tại hai Thông tư 08/2018 và 09/2018 mà Bộ này ban hành.
![]() |
Dự thảo TCVN-12607:2019 gây tranh cãi với nước mắm truyền thống |
Cần chế tài xử lý
Cần nhắc lại, từ khi hai Thông tư 08 và 09 của Bộ TN&MT có hiệu lực đã gây khó cho DN. Có đến 24.184 container phế liệu bị lưu giữ tại các cảng trên cả nước tính vào thời điểm tháng 1/2019 do chịu sự tác động từ các quy định chồng chéo này. Trong đó, số lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày là 6.733 container, số tồn đọng trên 90 ngày là 9.872 container.
Chính việc chậm được thông quan các lô hàng phế liệu NK đã gây thiệt hại cho DN từ 600.000 đến 800.000 USD/ngày do mỗi ngày DN phải chi trả khoảng 40-50 USD/container tiền lưu kho, bãi đối với 16.605 container (bị lưu giữ 30-90 ngày).
Có thể kể thêm một trường hợp bất cập khác ở "cửa" thông tư là mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét giải quyết trước tình trạng nhiều container cá ngừ NK gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, nhằm tạo điều kiện giải phóng cho các lô hàng đã ký hợp đồng và xuất bến trong nửa đầu tháng 2/2019.
Trên thực tế, tới đầu tháng 3/2019, hoạt động sản xuất, xuất khẩu (XK) của các DN cá ngừ vẫn tiếp tục đảo lộn do những lô hàng NK còn nằm tại cảng, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo quy định của Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT (có hiệu lực kể từ ngày 10/2/2019) về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản của Bộ NN&PTNT.
Vasep cho biết, hoạt động sản xuất XK của các DN cá ngừ tiếp tục bị đình trệ do vướng cùng lúc hai thông tư của Bộ NN&PTNT là Thông tư số 36 và Thông tư 21/2018/ TT-BNNPTNT về "Quy định ghi, nộp báo cáo, nhật ký khai thác thủy sản; công bố cảng cá chỉ định xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác; danh sách tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp; xác nhận nguyên liệu, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác" (có hiệu lực từ ngày 1/1/2019).
Vướng mắc này dẫn đến việc các DN cá ngừ chịu gánh nặng về phí lưu container, lưu bãi, trễ hẹn đơn hàng, không có nguyên liệu cho nhà máy tiếp tục hoạt động sản xuất… Điều đáng nói là các DN XK cá ngừ cho biết họ nhận được thông tin về Thông tư 36/2018 quá trễ, hầu hết là cận ngày hoặc đã qua ngày Thông tư có hiệu lực.
Nêu ra một số vụ việc bất cập trên để thấy rằng cần rút ra bài học và có chế tài xử lý nghiêm đối với những người làm chính sách đã "đẻ" ra các quy định cứng nhắc có thể gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thế Vinh