Từ năm 2016 đến năm 2018, toàn tỉnh Yên Bái đã đào tạo nghề cho 42.000 người, trong đó có 33.000 người lao động nông thôn (LĐNT) tham gia học nghề đầy đủ. Công tác đào tạo nghề cho LĐNT đã góp phần đem lại năng suất và thu nhập cao hơn, tạo việc làm cho nhiều lao động.
Lồng ghép trong đào tạo
Để có được kết quả trên, các lớp đào tạo nghề cho LĐNT ở Yên Bái chú trọng phương pháp song hành, kết hợp giữa học lý thuyết 30% với thực hành 70% để giúp người học sau khi học có chuyên môn tay nghề cao, kiến thức đào tạo toàn diện và có đủ năng lực quản lý trang trại hoặc vào làm việc ở những doanh nghiệp (DN), HTX.
Bên cạnh đó, các lớp đào tạo đã có những đổi mới trong công tác dạy nghề, như: Sử dụng đội ngũ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đủ điều kiện để tham gia làm giáo viên các lớp dạy nghề, các khóa học được thiết kế thời gian thực hành nhiều hơn lý thuyết, đổi mới phương pháp và đa dạng các chủ đề đào tạo dựa trên nhu cầu học viên.
Đặc biệt, không ít Tổ hợp tác (THT), HTX tại Yên Bái đã năng động và lồng ghép thành công việc đào tạo dạy nghề theo hướng thực hành và gần gũi với người nông dân. Các HTX cũng liên kết chặt chẽ với các trường dạy nghề, các trang trại, DN đã đạt chuẩn, trong đó có thợ cả (người dạy thực hành) để dạy nghề cho thành viên, người lao động trong HTX. Nhờ đó, công tác đào tạo nghề ở Yên Bái đã nâng cao chất lượng.
Tại huyện Trấn Yên, đã có mô hình sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn gắn với đào tạo nghề của HTX Kiên Thành. HTX đã liên kết với DN đào tạo cho thành viên, người lao động trồng và sơ chế măng tre Bát Độ. Với tổng diện tích 1.268 ha cho sản lượng 23.000 tấn, mô hình sản xuất của HTX đã trở thành địa chỉ thực hành và nơi tạo việc làm sau đào tạo nghề cho người dân.
Hay tại HTX Ong mật Hoàng Liên Sơn (Trấn Yên), HTX đã trở thành nơi học nghề của các học viên lớp nuôi ong mật và Giám đốc HTX - ông Trần Đức Thắng, cũng chính là người “đứng lớp” truyền dạy kiến thức cho mọi người.
![]() |
Một lớp hướng dẫn nuôi ong ở Yên Bái |
Hiệu quả sau đào tạo
Đến nay, HTX đã trở thành nơi giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong nuôi ong, tách ong lấy mật. Từ khi thành lập, HTX cũng đón tiếp các học viên của 6 lớp học nghề nuôi ong đến học thực hành.
Thực hiện theo Đề án 1956, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã mở được 403 lớp đào tạo nghề cho LĐNT với số lao động nông thôn được học nghề là 11.482 người. Trong đó, 77,9% lao động được đào tạo các nghề nông nghiệp, còn lại là các nghề phi nông nghiệp. Đã có 10.170 (chiếm 88,6%) LĐNT được hỗ trợ đào tạo có việc làm sau khi học nghề. Những người sau khi học nghề tiếp tục làm việc với năng suất và thu nhập cao hơn trước.
Kết quả rõ nhất thể hiện ở việc đã tổ chức đào tạo nghề cho LĐNT theo các mô hình điển hình. Theo Sở LĐTB&XH, hầu hết các mô hình đều phát huy tác dụng, tạo điều kiện cho người học nghề có cơ hội tìm việc làm và tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Các mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả. Tại Tp.Yên Bái, đã có nhiều hộ sản xuất nông nghiệp sau khi tham gia lớp đào tạo nghề “Sản xuất rau an toàn” tại các xã Tuy Lộc và Âu Lâu, Âu Lạc… đã mạnh dạn mở rộng sản xuất, thành lập THT sản xuất rau an toàn, như THT rau an toàn thôn Đồng Đình đã vận động 19 hộ dân đăng ký với diện tích gieo trồng 1,23 ha.
Tham gia THT, các thành viên đã tăng diện tích trồng rau, củ, quả; làm nhà lưới, vòm che thấp, sản phẩm sau khi thu hoạch có chất lượng tốt, sản lượng thu hoạch cao có thương hiệu, lao động tham gia sản xuất có thu nhập ổn định (trung bình từ 4,5 triệu/ người/tháng trở lên).
Ngoài ra còn một số mô hình hoạt động hiệu quả sau đào tạo nghề, như: Nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp; may công nghiệp (huyện Trấn Yên); chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel (huyện Văn Yên); xây dựng, chăn nuôi lợn (huyện Lục Yên); chạm khắc đá (huyện Văn Chấn); du lịch cộng đồng homestay (tại thị xã Nghĩa Lộ)...
Như Yến