Dưới sự chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Ninh, 100% UBND các cấp đã xây dựng kế hoạch hoặc chương trình hành động cụ thể để tổ chức thực hiện Nghị quyết về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT).
Làm tốt khâu đầu vào
Quảng Ninh đã tổ chức tuyên truyền về chính sách dạy nghề cho LĐNT bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú, như: Truyền thông trực tiếp cho LĐNT; tổ chức các buổi tư vấn việc làm trực tiếp cho LĐNT tại các huyện, thị xã, thành phố; xây dựng các phóng sự, chuyên mục về đào tạo nghề, giải quyết việc làm phát trên truyền hình; tuyên truyền chính sách dạy nghề cho LĐNT…
Không ngừng phát triển hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến nay, Quảng Ninh đã có 39 đơn vị tham gia hoạt động đào tạo nghề nghiệp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở tham gia giáo dục nghề nghiệp. Trong đó, có 32 cơ sở công lập và 7 cơ sở thuộc doanh nghiệp (DN), hình thành một mạng lưới cơ sở đào tạo nghề đa dạng.
“Không lý thuyết suông”, thay vào đó, nhiều gương điển hình và cách làm hay được người lao động (NLĐ) học tập để phát triển kinh tế hộ gia đình và giúp người dân hiểu chính sách học nghề. Riêng đối với các nghề nông nghiệp, tỉnh tăng cường cho học viên thực hành, thực nghiệm tại đồng ruộng, trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đầm nuôi trồng thủy sản để nâng cao hiệu quả các lớp học nghề.
Ông Nguyễn Văn Nam (phường Nam Hòa, thị xã Quảng Yên) chia sẻ: “Con trai tôi tham gia một lớp dạy về chăn nuôi giáp xác thương phẩm. Năm nay, phường mở lớp, tôi tiếp tục đăng ký theo học. Nhiều hộ gia đình ở đây cả nhà cùng đăng ký học để tất cả thành viên đều nắm vững kỹ thuật, phục vụ cho việc chăn nuôi tôm được tốt hơn”.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2018, các cơ sở đào tạo nghề đã đào tạo khoảng 35.000 LĐNT. Các lớp dạy nghề đã góp phần giải quyết được nhu cầu học nghề, giúp nhiều LĐNT có việc làm và thu nhập ổn định, đồng thời góp phần đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo của các DN, HTX, đáp ứng sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động của địa phương.
Nhằm định hướng nghề nghiệp và giải quyết việc làm khi kết thúc khóa học cho LĐNT, tỉnh đã phối hợp với các trung tâm giới thiệu việc làm tổ chức các chợ phiên việc làm, hội chợ việc làm thu hút hàng nghìn lao động tham gia.
![]() |
Đan lưới - một trong nhiều lớp đào tạo nghề cho LĐNT ở Quảng Ninh |
Đào tạo gắn với nhu cầu
Những năm gần đây, việc đào tạo nghề gắn với nhu cầu DN, HTX cũng được Quảng Ninh thực hiện hiệu quả. Từ năm 2017, tỉnh quán triệt không tổ chức mở lớp khi chưa có phương án về nơi làm việc và dự kiến mức thu nhập của NLĐ sau học nghề.
Thay vào đó, tỉnh đã tăng cường liên hệ với các đơn vị, DN, HTX trên địa bàn bố trí cho học viên thực hành, gắn với liên kết đầu ra cho người học nghề ngay sau khi tốt nghiệp, ưu tiên đối với người dân sống tại khu vực phải tổ chức giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án... Với cách làm này, đã có rất nhiều NLĐ tìm được việc làm phù hợp với nghề được đào tạo, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Cụ thể, tại Đông Triều mỗi năm mở 8 - 10 lớp dạy nghề cho LĐNT. Trong đó, nghề đan lưới đã có đơn vị dạy nghề cam kết bao tiêu sản phẩm; lao động học nghề sản xuất gốm xây dựng cũng được công ty TNHH Hoàng Quế 22/12 cam kết nhận vào làm việc tại nhà máy gạch của công ty.
Tại thị xã Quảng Yên, mô hình dạy nghề cho LĐNT gắn với cung cấp nguyên vật liệu và bao tiêu sản phẩm của công ty Tân Vân (phường Tân An) và HTX Dịch vụ và Thương mại Hòa Thành (phường Minh Thành) đã tạo việc làm cho gần 1.000 LĐNT sau học nghề có việc làm. Bình quân mỗi học viên sau học nghề đan lưới có mức thu nhập ổn định 2 - 4 triệu đồng/người/tháng.
Huyền Trang