Ông Nguyễn Hùng Cường - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả, hàng năm huyện đều tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của lao động, từ đó, có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung ngành, nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tiễn”.
Hiệu quả nâng cao
Các cơ quan chuyên môn của huyện như Hội Nông dân, Phòng LĐ-TB&XH, Phòng NN&PTNT và Trung tâm cũng phối hợp tổ chức các chương trình tiếp nhận lao động của các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác (THT) trên địa bàn huyện có nhu cầu học nghề mới, nhằm chuyển đổi ngành nghề phù hợp.
Mô hình dạy nghề lưu động cho nông dân, thành viên HTX, nhất ở các xã vùng sâu, vùng xa, đang là một trong những cách làm hay, mang lại kết quả nổi bật trong công tác dạy nghề của huyện Sơn Dương.
Tại các lớp dạy nghề, Trung tâm đã tổ chức được các lớp đào tạo ngắn ngày nhằm truyền đạt kỹ năng trồng, chăm sóc cây ớt, đan lát, may công nghiệp… làm nền tảng cho lao động nông thôn có kiến thức, mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi hiệu quả. Kết quả, 92% lao động sau học nghề có việc làm.
Điểm nổi bật trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn tại huyện Sơn Dương là đào tạo nghề gắn với tạo việc làm mới cho lao động bằng hình thức liên kết với các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Với các lớp dạy nghề phi nông nghiệp, sau khi học xong, học viên sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm cho một số HTX, THT, doanh nghiệp, nhà máy đóng trên địa bàn, qua đó góp phần giải quyết việc làm tại chỗ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Theo kế hoạch của tỉnh Tuyên Quang, trong năm 2019, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Sơn Dương sẽ hoàn thành 15 lớp đào tạo nghề cho 525 học viên là lao động nông thôn.
![]() |
Các lớp dạy nghề huyện Sơn Dương đang đẩy mạnh thực hành để nâng cao chất lượng đào tạo |
Vai trò của HTX
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, huyện Sơn Dương dự kiến sẽ tập trung chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia học nghề; tăng cường kiểm tra, khảo sát nhu cầu học nghề để xây dựng những mô hình dạy nghề phù hợp.
Phát triển HTX, THT nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề, tạo đầu ra cho lao động sau dạy nghề là một trong những bước đi quan trọng được huyện Sơn Dương đặc biệt chú trọng.
Theo thống kê, toàn huyện Sơn Dương hiện có hơn 40 HTX nông, lâm nghiệp, với nhiều HTX điển hình trong dạy nghề, tạo việc làm cho lao động như HTX Vĩnh Tân (xã Tân Trào), HTX chè Ngân Sơn Trung Long (xã Trung Yên), HTX nông lâm nghiệp xã Đại Phú, HTX nấm sạch Bình Yên, HTX chăn nuôi và giống gia cầm Minh Tâm (xã Tú Thịnh)…
Đơn cử, HTX chè Vĩnh Tân được ví như “đầu tàu” đưa nghề làm chè tại địa phương lên một tầm cao mới. Với phương thức sản xuất khoa học, áp dụng kỹ thuật, máy móc hiện đại, năng suất bình quân của HTX hiện đạt 12 - 14 tấn/ha, thu nhập bình quân của người lao động đạt 30 - 35 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Văn Tuyến - Giám đốc HTX, cho biết: “Để phát triển bền vững, các hộ trồng chè liên kết với HTX được chuyển giao công nghệ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác chuẩn VietGAP, nâng cao các điều kiện về an toàn lao động như phương thức sử dụng máy móc, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón…”.
Sáu Ngạn