Công tác đào tạo nghề nông thôn tại Khánh Hòa được đầu tư trọng điểm từ năm 2010 đến nay, với trên 100.000 lao động được dạy nghề. Trong đó, giai đoạn 2010 – 2015, tỉnh đào tạo nghề cho gần 95.000 người, giai đoạn 2016 – 2018 là hơn 8.550 người, tổng kinh phí đào tạo xấp xỉ 50 tỷ đồng.
![]() |
Nhiều mô hình sản tiêu biểu ra đời sau đào tạo nghề tại Khánh Hòa |
Hiệu quả mô hình mẫu
Nhờ sự đầu tư đúng hướng, tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo tại Khánh Hòa đạt trên 93,4%, trong đó, khoảng 30% được các doanh nghiệp, HTX tuyển dụng, 70% còn lại tự tạo việc làm với các mô hình sản xuất, kinh doanh độc lập, mang lại hiệu quả tích cực.
Ông Nguyễn Trọng Trung – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Để nâng cao hiệu quả công tác dạy nghề, các cấp Hội đã và đang chú trọng đào tạo theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” song hành với lý thuyết, giúp người học có thể áp dụng ngay vào quá trình sản xuất, chăn nuôi”.
Đặc biệt, tỉnh chủ động đẩy mạnh xây dựng các mô hình kiểu mẫu thông qua vận động thành lập HTX, tổ hợp tác; hỗ trợ vốn từ Quỹ HTND để thành lập các mô hình kinh tế hiệu quả.
Sau nhiều năm triển khai, Hội Nông dân các cấp đã xây dựng được hơn 30 mô hình đào tạo gắn với hỗ trợ việc làm bền vững cho hơn 1.000 nông dân. Trong đó, nhiều mô hình mẫu được chọn làm điểm để nhân rộng như trồng bưởi da xanh, nuôi gà thả vườn, trồng nấm, trồng hoa và chăm sóc cây cảnh…
Các HTX cũng đang cho thấy vai trò đầu tàu trong công tác dạy nghề và tiếp nhận lao động nông thôn sau đào tạo. Trong lĩnh vực nông nghiệp, có thể kể đến nhiều mô hình mẫu như HTX nông nghiệp Diên An, HTX nông nghiệp Diên Lộc, HTX nông nghiệp 1 Ninh Quang, HTX nông nghiệp Vĩnh Phương...
Trong lĩnh vực phi nông nghiệp, các mô hình mẫu tiêu biểu có thể kể đến là HTX Thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Vĩnh Phước, các HTX sản xuất muối, HTX Thủy sản Thống Nhất, HTX đóng tàu Song Thủy, các HTX thủy sản nghề đăng...
![]() |
Khánh Hòa sẽ đẩy mạnh liên kết trong đào tạo nhằm nâng cao lợi ích cho người dân nông thôn |
Đẩy mạnh liên kết đào tạo
Với những thành công đang có, Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa dự kiến tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ việc làm liên kết với các doanh nghiệp, HTX để đào tạo nghề theo nhu cầu, bám sát thực tế, nhằm bảo đảm nguồn lao động có tay nghề cao, đáp ứng thị trường lao động.
Không chỉ tập trung vào các mô hình mẫu trong và ngoài tỉnh, Hội sẽ tổ chức cho hội viên nông dân đi học tập, tham quan các mô hình sản xuất hiệu quả của nước ngoài, nhằm mang lại cái nhìn mở, tiến bộ hơn cho người lao động nông thôn.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Trọng Trung cho hay hiện toàn tỉnh có tổng số 50 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Các đơn vị trên đều tham gia đào tạo và thực hiện các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó có lao động nông thôn.
Các ngành, địa phương của tỉnh đang ưu tiên ký hợp đồng đào tạo nghề với cơ sở đào tạo có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, làng nghề trong việc đào tạo nghề và giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm.
Tỉnh cũng đang khuyến khích doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ tham gia đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nông thôn; ưu tiên phát triển những ngành nghề mới, nhất là nghề phục vụ thế mạnh phát triển du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao.
Sáu Ngạn