Đến nay, tỉnh Hà Tĩnh đã đào tạo thành công cho 53.292 người (giai đoạn 2010-2014 là 31.822 người, giai đoạn 2015-2018: 21.470 người). Ngoài ra, tỉnh cũng thực hiện hiệu quả chương trình xuất khẩu lao động đào tạo, giáo dục định hướng cho 5.000-6.000 người/năm (riêng năm 2018 là gần 9.000 người).
![]() |
Công tác đào tạo nghề tỉnh Hà Tĩnh đang phát huy hiệu quả thiết thực |
Hiệu quả tích cực
Những năm qua, Hà Tĩnh đang lồng ghép thực hiện hiệu quả công tác đào tạo nghề theo các dự án ODA, chương trình mục tiêu quốc gia (Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135, nông thôn mới, Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp,…), các chương trình dự án dạy nghề chuyển giao kỷ thuật cho nông dân phụ nữ…
Sự linh hoạt trong công tác tổ chức mô hình và hình thức đào tạo, giúp hiệu quả của công tác dạy nghề trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh được nâng lên. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề năm 2018 đạt 68,3%.
Nhận thức của người dân về học nghề, giải quyết việc làm đang có những chuyển biến lớn. Việc học nghề không chỉ dựa hoàn toàn vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, mà còn có sự tham gia, đóng góp tích cực của bản thân người lao động và có liên kết của các doanh nghiệp, HTX.
Chất lượng đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng được nâng cao, bám sát nhu cầu lao động của doanh nghiệp, HTX. Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được đầu tư củng cố, sắp xếp nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 4 trường cao đẳng, 1 phân hiệu trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 4 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên các huyện...
![]() |
Hà Tĩnh sẽ tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề |
Tiếp tục nâng tầm
Ông Nguyễn Trí Lạc – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, cho biết: “Những năm qua, tỉnh đã chủ động đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động, từng bước đổi mới và đa dạng hóa các phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đảm bảo việc dạy nghề đúng hướng, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân”.
Điển hình, trong giai đoạn 2015 - 2018, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 21.470 người lao động nông thôn, trong đó, nhóm nghề nông nghiệp có 11.574 người tham gia (chiếm 58%), nhóm nghề phi nông nghiệp có 9.055 người tham gia (chiếm 42%).
Sau khi học nghề, có khoảng 75% số lao động có việc làm sau đào tạo, một bộ phận lao động nông thôn đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương.
Một số học viên sau khi có nghề đã thành lập doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương, mang lại những đóng góp không nhỏ trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn.
Bên cạnh vai trò của các cơ quan chức năng tỉnh, thành công trong đào tạo nghề ở Hà Tĩnh có đóng góp không nhỏ của các HTX. Với khoảng 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, khu vực kinh tế tập thể đang thể hiện tốt vai trò kết nối, dẫn dắt trong việc định hướng nghề nghiệp cho người dân.
Đặc biệt, các HTX, tổ hợp tác chính là “đầu ra” cho hàng nghìn lao động sau đào tạo. HTX cũng đang trở thành điểm tựa để người lao động nông thôn sau khi học nghề có thể phát huy kiến thức, năng lực sáng tạo để tạo ra những giá trị về kinh tế.
Sáu Ngạn