Những năm gần đây, phong trào cơ giới hóa nông nghiệp phát triển rầm rộ, nên sản xuất lúa chủ yếu được làm bằng máy móc, vì thế số lao động nông nhàn ở nông thôn ngày càng tăng. Theo thống kê của ngành LĐ- TB&XH tỉnh, tỷ lệ phụ nữ, thanh niên ở nông thôn, đặc biệt là vùng xa trung tâm không có việc làm còn khá nhiều, do đa phần không nghề nghiệp. Vì vậy, đào tạo nghề trở thành nhu cầu bức bách đặt ra.
Chú trọng vùng sâu vùng xa
Vĩnh Thuận là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh, chủ yếu là sản xuất lúa. Để giải quyết vấn đề lao động nông nhàn, không có việc làm ổn định, tỉnh đã mở các lớp dạy nghề mới, như: Đan hạt cườm, đan lục bình, nuôi tôm… để tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Đào (xã Vĩnh Thuận, huyện Vĩnh Thuận) cho biết do tuổi đã cao, bà không làm ruộng được. Tuy nhiên, nhờ được tham gia lớp học nghề đan hạt cườm, giờ bà đã có thể hoàn thành các sản phẩm như ví cầm tay, túi xách với nhiều kiểu dáng mới lạ. Mỗi tháng, trung bình bà Đào có thu nhập khoảng 3 triệu đồng từ bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Để nâng cao hiệu quả, tỉnh còn khuyến khích và hỗ trợ người dân kết hợp sản xuất tôm - lúa, trồng màu - lúa, nuôi tốm sú kết hợp tôm càng xanh để phát triển kinh tế. Những mô hình sản xuất này đã hoạt động hiệu quả ở một số xã như Vĩnh Bình Bắc, Tân Thuận, Bình Minh, Vĩnh Thuận, Vĩnh Bình Nam…
Các lớp đào tạo nghề mới còn là điều kiện để hình thành và phát triển các HTX chuyên canh. Tiêu biểu như HTX ấp Căn Cứ (xã Vĩnh Phong) ra đời năm 2017. Các thành viên đều tham gia lớp đào tạo nghề nuôi tôm nên nắm được quy trình, kỹ thuật và đạt được thành công. Những cánh đồng cỏ năn, cỏ lác mọc um tùm được HTX cải tạo thành ruộng tôm, mang lại thu nhập cao cho thành viên. Đến nay, ngoài tạo việc làm và thu nhập cho 27 thành viên, HTX còn tạo việc làm và thu nhập cho hơn chục lao động địa phương.
Theo UBND huyện Vĩnh Thuận, trong 3 năm qua, huyện đã mở được 157 lớp đào tạo nghề, trong đó có 121 lớp dạy các nghề sản xuất nông nghiệp, 36 lớp dạy nghề phi nông nghiệp, qua đó đào tạo cho trên 4.000 lao động, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động làm việc tại các doanh nghiệp, hơn 600 lao động tham gia các HTX sản xuất và hơn 3.000 lao động có việc làm tại chỗ.
![]() |
Một lớp đào tạo nghề cơ khí cho lao động nông thôn Kiên Giang |
Chú trọng đào tạo cho giới trẻ
Do sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế sang các ngành công nghiệp, dịch vụ, đời sống của người dân được nâng cao, nên Kiên Giang đã linh hoạt mở thêm các lớp dạy nghề nữ công gia chánh, thẩm mỹ, tin học, sinh vật cảnh… Nhiều lao động có thu nhập ổn định, vượt qua khó khăn trong cuộc sống và việc linh hoạt thay đổi hình thức này đã đáp ứng được yêu cầu của lao động.
Từ đầu năm đến nay, Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh đã tổ chức khai giảng 30 dạy nghề ngắn hạn, thu hút hơn 700 học viên, đào tạo các nghề chủ yếu như: Tin học văn phòng, tiểu thủ công nghiệp, nữ công gia chánh, kỹ thuật nông nghiệp, kỹ thuật thẩm mỹ, kỹ thuật trồng cây kiểng…
Theo UBND tỉnh Kiên Giang, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 70 - 80%, cá biệt có một số ngành nghề tỷ lệ có việc làm 100%. Xác định nhu cầu học nghề của lao động nông thôn gắn với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội, nhờ linh hoạt, chủ động, ngành chức năng Kiên Giang đã, đang và sẽ cố gắng mỗi năm dạy nghề cho khoảng 3.500 lao động nông thôn. Tỷ lệ lao động có việc làm sau khi đào tạo nghề đạt từ 90% trở lên.
Huyền Trang