![]() |
Nhiều nông dân ở Vĩnh Long thoát nghèo nhờ được đào tạo nghề phù hợp |
Ông Võ Văn Tám Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Vĩnh Long, cho biết: “Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn” nhằm đào tạo nghề cho lao động nông thôn gắn với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng nguồn lao động của địa phương.
“Học đi đôi với hành”
Để mở các lớp dạy nghề phù hợp và hiệu quả, tỉnh đã chú trọng khảo sát nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, HTX, làng nghề trên địa bàn, nhu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu học nghề của người lao động địa phương.
Như tại xã Nhơn Phú (huyện Mang Thít), do nhu cầu xây dựng nhà ở, công trình dân dụng tăng cao, tỉnh đã giao cho Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên huyện Mang Thít mở các lớp đào tạo nghề xây dựng dân dụng với mô hình thực hành gắn liền công trình tại địa phương. Chỉ trong năm 2018 đã có 2 lớp học nghề xây dựng dân dụng được mở, thu hút 50 lao động nông thôn tham gia.
Mỗi lớp học kéo dài 3 tháng và gắn với các công trình thực tế nên hầu hết các học viên sau khi học đều tự xin làm ở các công trình xây dựng gần nhà, từ đó nâng cao được thu nhập.
Do nhu cầu xã hội về ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tương đối lớn, tỉnh cũng cũng tổ chức các lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp bằng cách kết hợp với một công ty, các làng nghề đào tạo nghề cho lao động.
Theo ông Võ Văn Tám, hiện các cơ sở dạy nghề đều chú trọng đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, theo địa chỉ… nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo và giải quyết việc làm cho người lao động.
Cụ thể, tại xã Hiếu Nhơn (Vũng Liêm), trước nhu cầu phát triển các ngành tiểu thủ công nghiệp, các lớp dạy nghề đan đát (ghế, chậu, thảm lục bình...), bóc vỏ hạt điều, tách đầu tôm,... đã được mở. Các lao động tham gia học nghề ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đều được các công ty, doanh nghiệp, HTX bao tiêu sản phẩm để họ tận dụng thời gian nhàn rỗi làm việc, tạo thêm thu nhập.
Nhằm tạo điều kiện cho các học viên sau khi học có thể phát triển sản xuất, khởi nghiệp thành công, tỉnh cũng có cơ chế hỗ trợ lao động sau học nghề được vay vay tín dụng ưu đãi,… để giải quyết việc làm, khởi nghiệp, từ đó góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Nhờ chú trọng đến chất lượng đào tạo nghề thông qua nhu cầu thực tế trên địa bàn tỉnh, khoảng 90% người lao động sau khi tham gia các lớp đào tạo đều có việc làm. Các học viên đều biết vận dụng kiến thức, kỹ năng được trang bị qua học nghề vào thực tế ngành nghề nhằm nâng cao hiệu quả làm việc, từ đó nâng cao thu nhập cho chính mình.
HTX đóng góp tích cực
Bên cạnh sự vào cuộc của các trung tâm, doanh nghiệp trong công tác đào tạo nghề thì sự đóng góp của khu vực kinh tế HTX, đặc biệt là các HTX tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp có vai trò không nhỏ.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh Vĩnh Long, đến nay, toàn tỉnh có 144 hợp HTX, 1 liên hiệp HTX, 5 quỹ tín dụng nhân dân. Theo đánh giá chất lượng hoạt động thì cả tỉnh có 55 HTX khá giỏi như HTX nông nghiệp Tấn Đạt, HTX cam sành Organics Trà Ôn, HTX thủ công mỹ nghệ Thanh Thanh, HTX nông nghiệp Tân An…
HTX đan lát thủ công mỹ nghệ Thanh Thanh (xã Long Phước, huyện Long Hồ) là đơn vị đi đầu trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, nhất là chị em phụ nữ và người khuyết tật. Không chỉ thành công trong xuất khẩu, HTX còn tạo việc làm thường xuyên cho 160 lao động địa phương với thu nhập từ 2-4 triệu đồng/tháng.
![]() |
Nhờ chú trọng đào tạo nghề, sản phẩm HTX cam sành Organics Trà Ôn đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu |
HTX nông nghiệp cam sành Organics Trà Ôn đã hình thành 2 vùng nguyên liệu cam sành ở huyện Trà Ôn với 35ha, HTX đang mở rộng thêm 20 ha cam sành organics để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Để đáp ứng nhu cầu kỹ thuật cho ngành nông nghiệp công nghệ cao, HTX đã liên kết với hàng loạt các doanh nghiệp, tập đoàn ở trong và ngoài nước như Tập đoàn Alex’S Organics Nutrition Food For Animal USA , Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh… đào tạo nghề cho thành viên, người lao động. Đặc biệt là HTX đã hình thành được đội ngũ kỹ thuật phục vụ nhu cầu sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa. Các công đoạn từ đầu vào đến đầu ra đều được doanh nghiệp bao tiêu.
Với những kết quả đã đạt được, UBND tỉnh Vĩnh Long đang tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn để hoàn thành mục tiêu theo lộ trình, đưa thu nhập bình quân đầu người hàng năm và đến năm 2020 là 49 triệu đồng.
Huyền Trang