![]() |
Nghề may là một trong những ngành nghề được Thái Nguyên quan tâm đào tạo |
Phú Bình là huyện trung du miền núi nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Thái Nguyên nên tỷ lệ lao động nông thôn chiếm phần lớn. Sau khi khảo sát kỹ nhu cầu lao động và đời sống hoàn cảnh của người dân, Phòng lao động thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) huyện đã mở các lớp nghề may cho phụ nữ. Các lớp dạy nghề may đã thu hút được rất nhiều phụ nữ đến học. Đây cũng là nghề phù hợp với đặc điểm tập quán cũng như trình độ học vấn của chị em.
Đáp ứng nhu cầu
Hình thành từ nhóm phụ nữ làm nghề dệt vải, tổ phụ nữ dệt vải xóm Tiền Phong đã được Hội Phụ nữ xã Thanh Ninh duy trì phát triển bền vững, tạo việc làm cho khoảng 70 phụ nữ.
Tuy nhiên, do nhu cầu phát triển của HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam cũng nằm trên địa bàn xã nên chính quyền địa phương đã phối kết hợp với HTX, tạo điều kiện cho các thành viên tổ phụ nữ dệt vải xóm Tiền Phong được tham gia các lớp đào tạo nghề may ngắn và dài hạn.
Các chị em sau khi học nghề thành thạo được nhận vào làm gia công sản phẩm may mặc cho HTX Út Hồng - Việt Nam. Người nào có máy may sẵn có thể nhận nguyên liệu về nhà làm. Với hình thức liên kết này, những người đứng đầu HTX và cả người làm công không phải lo lắng về đầu vào và đầu ra của sản phẩm.
Ông Đỗ Quang Hưng, Phó Giám đốc HTX Phát triển nông thôn Út Hồng - Việt Nam, cho biết: Sau khi các học viên, người lao động hoàn thành sản phẩm được giao, HTX có trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm có đạt chuẩn không sau đó tập hợp về HTX. Do kiểm tra chặt chẽ nên sản phẩm chị em làm ra đều đạt yêu cầu.
Lúc đầu thấy cơ sở nhỏ, HTX đã mạnh dạn vay vốn xây dựng nhà xưởng trên diện tích 300 m2 để nhận thêm hàng cho chị em làm. Từ khi thành lập đến nay, HTX không ngừng phát triển, thu nhập chị em được nâng cao, vừa lo việc nhà lại có thêm thu nhập lúc nhàn rỗi, bình quân 1 tháng chị em cũng thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng lúc nhàn rỗi.
Đặc biệt, để giải quyết khó khăn về tay nghề cho lao động, ngoài việc liên kết với các doanh nghiệp, mời người thạo nghề về dạy cho thành viên, người lao động, HTX còn chú trọng liên kết với địa phương để mở các lớp dạy nghề, sau đó tạo việc làm cho chính người có nhu cầu. Nhờ đó, đến nay, HTX đã tạo dựng cho mình một tập thể người lao động có tay nghề và tinh thần đoàn kết, giúp đỡ, tương trợ nhau trong công việc.
![]() |
Nhiều lao động sau khi đào tạo vào làm cho HTX Út Hồng - Việt Nam |
Ngoài hơn 30 lao động làm việc tại xưởng may, HTX còn có rất nhiều cơ sở vệ tinh là các hộ dân trong xã với trên 100 lao động, thực hiện may các sản phẩm theo yêu cầu của HTX tại gia đình.
Cần nhân rộng
Là cơ sở góp phần không nhỏ vào việc giải quyết việc làm cho người dân, HTX đã đứng ra nhận đào tạo nghề may cho khoảng 30-40 lao động/năm. Phần lớn những học viên này sau này đều là lao động chính thức của HTX. Việc đào tạo thực tế và sử dụng lao động may có tay nghề nên các sản phẩm sản xuất ra được đảm bảo chất lượng, từ đó lượng đơn hàng ngày càng tăng lên.
Ông Nguyễn Đức Giang Phó trưởng Phòng LĐTB&XH huyện, cho biết với nền tảng là tổ dệt vải tại xóm Tiền Phong cùng với sự thành lập của HTX may mặc Út Hồng-Việt Nam đã tạo ra sự liên kết trong đào tạo nghề, từ đó mang lại hiệu quả trong giải quyết việc làm và mang lại thu nhập ổn định cho lao động nông thôn.
Qua thời gian hoạt động khá hiệu quả, để nhân rộng mô hình này ở các địa phương hiện nay huyện Phú Bình đang tính toán phối hợp các đơn vị như Phòng LĐTB&XH cùng với Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Khuyến nông huyện, Liên Minh HTX tỉnh cùng liên kết với các trường nghề để mở các lớp đào tạo nghề may cũng như thành lập các HTX để từ đó duy trì ổn định và phát triển mô hình.
Qua dự báo, trong nhiều năm tới nhu cầu đặt hàng của các công ty may mặc vẫn rất cao, trong khi lâu nay hầu hết người dân đều bỏ quê đi làm cho các công ty, doanh nghiệp nước ngoài. Cũng theo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Thái Nguyên, qua nhiều chuyến kiểm tra, giám sát, đây là một trong các mô hình dạy nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, vì tỷ lệ giải quyết việc làm sau đào tạo là khá cao và bền vững. Sở LĐTB&XH tỉnh Thái Nguyên cũng đã tính toán tới chuyện tạo điều kiện để các HTX đăng ký hoạt động và đủ tư cách pháp nhân tham gia dạy nghề, cấp chứng chỉ nghề, các cơ sở có thể vay vốn kinh doanh để tăng cường trang thiết bị, nguyên liệu và trực tiếp ký hợp đồng sản xuất theo đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp…
Huyền Trang