Với hơn 70% dân số là dân tộc Tày, Dao, Nùng... huyện Vị Xuyên xác định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã triển khai nhiều chính sách, đề án của Đảng và Nhà nước về đào tạo nghề (ĐTN) cho người dân, đồng thời tập trung nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng liên kết bền vững, từng bước cải thiện đời sống của người dân.
Học để lấy nghề
Ông Phạm Đức Thụ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Vị Xuyên, cho biết nhằm phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, huyện phấn đấu mục tiêu đến hết năm 2020 sẽ đào tạo nghề (ĐTN) cho khoảng 6.000 lao động nông thôn (LĐNT).
Để đạt được hiệu quả cao, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Phòng LĐ-TB&XH và Trung tâm GDNN - GDTX huyện chủ động phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền các xã, các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, thống kê nhu cầu học nghề theo từng lĩnh vực cụ thể; từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, dạy nghề dựa trên nhu cầu thực tế.
Để tránh tình trạng người lao động đi học nghề để lấy tiền, chứ không phải lấy nghề, chương trình đào tạo của huyện không đi theo lối mòn, mà hướng đến những việc làm thực tế, phù hợp với điều kiện của người dân và xã hội.
Công tác ĐTN luôn được huyện chú trọng vào những nghề trọng điểm, phù hợp với thực tế địa phương và nhu cầu người lao động. Các ngành, nghề đào tạo chủ yếu tập trung vào: Sửa chữa máy nông nghiệp, trồng lúa năng suất cao, rau an toàn; kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và chế biến chè; kỹ thuật trồng rừng, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu, bò…
Từ năm 2015 - 2018, Trung tâm GDNN - GDTX huyện đã mở được 100 lớp ĐTN ngắn hạn và trung cấp nghề cho 3.000 học viên; đạt 72,83% chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ lao động qua ĐTN có việc làm đạt 70%, đáp ứng nhu cầu tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.
![]() |
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau an toàn tại HTX Tân Đức |
HTX rau sạch “hưởng lợi”
Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020, ngoài lựa chọn các cây, con có thế mạnh để phát triển, một mô hình mới đã được thử nghiệm trong thời gian qua với những kết quả khả quan đã được cấp ủy, chính quyền huyện Vị Xuyên lựa chọn là sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, nhằm tạo việc làm ổn định cho khu vực nông thôn, phát triển nông nghiệp bền vững gắn liền với thực hiện tốt công tác an toàn thực phẩm.
2 HTX tiên phong trồng rau trong nhà lưới là HTX Rau an toàn Học Lập và HTX Rau an toàn Tân Đức (thị trấn Vị Xuyên). Đây là 2 đơn vị đã được cấp Giấy chứng nhận VietGAP trong năm 2017.
Nhờ tham gia các lớp đào tạo về kỹ thuật,phương pháp trồng rau an toàn theo chuỗi của huyện, HTX Tân Đức đã phát triển sản xuất trên 4 ha, trong đó có hơn một nửa là diện tích nhà lưới, mỗi vụ sản xuất đều trồng luân canh với nhiều loại rau khác nhau, đặc biệt là các loại cây trái vụ để cho giá trị kinh tế cao hơn.
Từ khi thành lập HTX, các hộ trồng rau được tổ chức thành nhóm, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nguồn vốn, dần dần xây dựng thương hiệu rau sạch, mở rộng phát triển sản xuất theo quy mô tập trung. Mô hình đã giúp nhiều hộ gia đình trong thôn có nguồn thu nhập ổn định 30 - 40 triệu đồng/năm.
Ngoài việc hỗ trợ về xây dựng nhà lưới, chuyển giao kỹ thuật qua công tác ĐTN sản xuất nông nghiệp an toàn của huyện còn tập trung hỗ trợ các hộ nông dân, HTX lấy chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cũng như tạo điều kiện về đất đai để xây dựng cửa hàng nông sản sạch.
Huyền Trang