![]() |
Số thu thuế thu nhập cá nhân trong 8 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng mạnh dù thu nhập của người dân giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch Covid-19. |
Hàng loạt sắc thuế chịu ảnh hưởng lớn trong 8 tháng đầu năm như số thu thuế thu nhập doanh nghiệp giảm 15,4% so với cùng kỳ, thuế giá trị gia tăng giảm khoảng 17%, thuế tiêu thụ đặc biệt cũng sụt giảm sâu trong quý II. Tuy nhiên, thu thuế thu nhập cá nhân (TNCN) vẫn đạt 77.100 tỷ đồng, tăng 10.400 tỷ đồng so với 7 tháng trước đó.
Theo số liệu của Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH), đến tháng 6/2020 có 7,8 triệu lao động bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19, gồm mất việc, giãn việc, nghỉ việc luân phiên, ngừng việc, tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương.
Kể từ ngày 1/7/2020, Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực, mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) đối với người chịu thuế TNCN được điều chỉnh tăng từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng cho người nộp thuế; từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, sẽ có 6,8 triệu người được hưởng lợi từ chính sách này, khoảng 1 triệu người không phát sinh số thuế nộp, số thu thuế TNCN năm 2020 dự kiến giảm 10.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngay trong tháng 7, số thu thuế TNCN lại gây bất ngờ khi đạt 66.700 tỷ đồng, tăng 7.400 tỷ đồng so với 6 tháng. Trước đó, tháng 6 ghi nhận số thu tăng chậm nhất kể từ đầu năm, đạt 6.900 tỷ đồng; lũy kế 6 tháng đạt 59.300 tỷ đồng.
Lý giải về số thu tăng này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, dịch Covid-19 khiến thu nhập của đại đa số người dân bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, có nhiều người làm việc cho công ty nước ngoài, công việc vẫn ổn định, thu nhập cao và không bị ảnh hưởng.
Chẳng hạn với cách tính thuế TNCN mới có hiệu lực, những người có thu nhập từ 10 -15 triệu đồng/tháng và có 1 người phụ thuộc sẽ không phải đóng thuế. Số lượng người dân có thu nhập ở mức này chiếm phần lớn, và đây cũng là nhóm bị ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh Covid-19.
Trong khi đó, những người có thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên dù tăng mức GTGC thêm 2 triệu đồng/tháng thì vẫn phải đóng thuế, vì mức giảm trừ so với cách tính trước đây là không đáng kể.
Ví dụ, một người có thu nhập 32 triệu đồng/tháng (thuộc nhóm chịu thuế suất bậc 4 là 20%), sau khi GTGC, số thuế phải đóng giảm từ 2,95 triệu đồng xuống 2,55 triệu đồng. Vì vậy, dù có tăng mức GTGC hay thu nhập của người dân có giảm vì dịch thì số thuế mà Nhà nước thu được chỉ giảm rất nhỏ. Ngược lại, mức GTGC tăng không ảnh hưởng đến một số nguồn thu khác như 2% từ giao dịch bất động sản, 0,1% từ doanh thu chứng khoán..., những nguồn thu này sẽ bù đắp vào phần hụt thu từ mức GTGC.
Hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng trước đây, khi người lao động thu nhập tốt, đóng góp thuế cho ngân sách thì nay cơ quan thuế cũng nên có sự hỗ trợ ngược lại theo hướng giảm thuế TNCN và tạm ngưng thu thuế ít nhất 6 tháng.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO, Chính phủ xác định chống dịch như chống giặc thì giải pháp đưa ra hỗ trợ người dân cần phải nhanh và mạnh hơn.
Hiện nay, Bộ Tài chính chủ yếu mới quyết định cho giảm được 50% một số khoản thuế, phí trước bạ mà người dân và doanh nghiệp phải nộp. Các dòng thuế còn lại, Nhà nước mới chỉ cho giãn thời gian nộp chứ không miễn.
Đặc biệt, với thuế TNCN có tác động trực tiếp đến đời sống người dân, Chính phủ nên xem xét cho các đối tượng nhận lương, tiền công được miễn nộp trong ít nhất từ 3 - 6 tháng như từng áp dụng trong thời gian xảy ra khủng hoảng kinh tế (năm 2008 - 2009).
Huyền Anh