Theo bà Vũ Thị Lưu Mai, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, thời điểm hiện nay nên theo đuổi một chính sách khoan sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu thông qua các biện pháp hỗ trợ và phát triển sản xuất kinh doanh sẽ là cần thiết và hợp lý hơn.
Người lao động muốn giảm sâu thuế TNCN
Thực tế, đã hơn hai năm kể từ ngày dịch bệnh bùng phát, kế sinh nhai cũng như việc làm của người lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Anh Lưu Mạnh Hải, nhân viên kinh doanh tại một công ty dược (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho hay, năm 2021 dịch kéo dài đã ảnh hưởng nặng nề đến thu nhập của gia đình.
![]() |
Bộ Tài chính cho rằng việc nâng mức giảm trừ gia cảnh từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân cho người nộp. (Ảnh: Int) |
Mặc dù thu nhập của cá nhân của anh Hải không bị giảm, nhưng vợ là giáo viên mầm non bị mất việc 8 tháng nay không còn nguồn thu nhập. Một mình "gánh" chi tiêu cho cả gia đình trong bối cảnh giá cả leo thang. Chưa kể dịch bệnh nên phải chi thêm rất nhiều khoản như nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, kính chống giọt bắn… Thế nhưng tháng nào nhận bảng kê thu nhập anh cũng bị khấu trừ thuế TNCN.
“Thu nhập của tôi 20 triệu đồng/tháng thuộc ngưỡng phải đóng thuế, trong khi đó bốn người gồm vợ chồng và hai đứa con sống bằng một nguồn thu nhập 20 triệu đồng/tháng vẫn phải nộp thuế là rất chật vật”, anh Hải thở dài.
Trong bối cảnh đó, nhiều chuyên gia đề xuất, nên giảm thuế TNCN theo tỉ lệ tương ứng với từng mức thu nhập. TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, đề xuất nên ưu tiên giảm thuế cho người có mức thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở xuống khoảng 30% vì mức thu nhập này thực tế không cao so với chi tiêu trong bối cảnh giá cả tăng cao như hiện nay. Còn với mức thu nhập trên 20 triệu đồng/tháng cũng chia ra từng mức thu nhập và tỉ lệ giảm ít hơn.
“Giảm thuế TNCN cũng cần hợp lý. Những người có thu nhập trung bình, trung bình khá cần được giảm thuế, còn người có thu nhập cao, người giàu thì vẫn phải thu theo quy định. Khi đó, ngân sách mới có tiền để hỗ trợ lại cho những người lao động thất nghiệp, người khó khăn trong mùa dịch”, ông Hiển nói.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đối với các đối tượng gặp khó khăn do dịch Covid-19 gây ra, hiện đã có nhiều chính sách hỗ trợ hết sức nhân văn cho các đối tượng này. Vì vậy, không cần chính sách miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trong bối cảnh hiện nay.
Chuyên gia kinh tế TS. Lê Xuân Trường cho rằng, so với mặt bằng thu nhập chung hiện nay ở Việt Nam, nếu miễn hoặc giảm thuế TNCN cho những đối tượng thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng tức là giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình trở lên, không phải là những người có thu nhập thấp, không phải là những người rất khó khăn. Điều này cho thấy, không cần chính sách miễn, giảm thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công trong bối cảnh hiện nay.
Thu nhập 23 triệu mới phải đóng gần 40.000 đồng tiền thuế
Trên thực tế, trường hợp như câu chuyện của anh Hải không phải là hiếm trong xã hội, nhiều người lao động cho rằng, trong bối cảnh doanh nghiệp, hộ kinh doanh đều được đề xuất các chính sách hỗ trợ thì người làm công ăn lương vẫn không được giảm thuế TNCN sẽ cảm thấy rất chạnh lòng.
Trước đề xuất giảm thuế thu nhập cá nhân để hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định của Luật thuế TNCN hiện hành, cá nhân được trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, trừ đi mức giảm trừ gia cảnh, các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo, các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ (nếu có)… số còn lại mới là thu nhập làm căn cứ tính thuế TNCN.
Do đó, đối với các cá nhân là người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nếu bị mất việc làm, không có thu nhập hoặc thu nhập chưa đến mức phải nộp thuế thì không phải nộp thuế. Các khoản trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm... cũng không tính vào thu nhập chịu thuế của cá nhân.
Bộ Tài chính cũng cho rằng, trong lần điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế TNCN và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020 cũng đã nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) sẽ chưa phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.
Chưa kể, trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp). Như vậy đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công.
Ví dụ, với trường hợp cá nhân có 1 người phụ thuộc, nếu một người có thu nhập tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng, nếu trừ các khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp... thì người này không phải nộp thuế TNCN. Nếu thu nhập 18 triệu đồng cũng chỉ nộp thuế 35.000 đồng/tháng. Trường hợp có các khoản phụ cấp, trợ cấp được trừ trước khi tính thuế nữa thì số thuế phải nộp còn thấp hơn (hoặc không phải nộp).
Nếu thu nhập từ 23 triệu đồng/tháng thì sau khi nộp bảo hiểm bắt buộc và giảm trừ gia cảnh, chỉ nộp thuế TNCN là 39.500 đồng/tháng (số tiền thuế rất nhỏ, chỉ chiếm khoảng 0,17% tổng thu nhập của cá nhân).
Thanh Hoa