Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tại Diễn đàn Tài chính năm 2019 diễn ra ngày 19/9 tại Quảng Ninh.
![]() |
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại Diễn đàn Tài chính Việt Nam năm 2019. |
Theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, dự báo năm 2021-2022, kinh tế thế giới suy giảm dưới 2% thay vì 3,6% như dự báo trước đó. Quan trọng hơn, đó là suy giảm có tính chu kỳ, mang tính quy luật, dư địa hạn hẹp về lãi suất, thuế, thị trường. Cùng với đó, những tranh chấp thương mại, bất đồng trong phát triển kinh tế được cho mang tính quy luật.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm như vậy, với yêu cầu và mục tiêu phát triển trong trung hạn 2020-2020 và dài hạn 2020- 2030 ở Việt Nam, nếu tốc độ phát triển kinh tế không đạt được mức độ 7-7,5% trong 10 năm tới thì sẽ không còn cơ hội để phát triển.
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, hiện nay, kết quả đạt được về đổi mới mô hình tăng trưởng, thay đổi cơ cấu nền kinh tế, thực hiện cơ cấu lại nền tài chính quốc gia 10 năm qua đã đạt được kết quả bước đầu. Tuy nhiên, những thách thức, khó khăn còn rất lớn. Điều này thể hiện ở việc mặc dù tăng trưởng đạt được ở mức độ 6,35% cho giai đoạn 5 năm qua nhưng chất lượng tăng trưởng và đổi mới mô hình cơ cấu của nền kinh tế còn hạn chế và còn nhiều thách thức.
Thứ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, thách thức lớn nhất đó là cơ cấu nền kinh tế; năng suất lao động trong nền kinh tế (do nước ta có lợi thế là dân số vàng); phát triển trên cơ sở nguồn vốn, tài nguyên khoáng sản. Tuy nhiên, theo dự báo, khả năng đến năm 2028-2030, Việt Nam sẽ ra khỏi cơ cấu dân số vàng và không còn điều kiện phát triển trên cơ sở diện rộng cũng như nguồn vốn cho sự phát triển. Chính vì vậy, nếu không phát triển nhanh, bền vững hiệu quả, đạt được trình độ phát triển của một nước trình độ trung bình cao trước năm 2030 thì chúng ta không còn cơ hội nữa.
Thứ trưởng cũng phân tích thêm, về cơ cấu nền kinh tế, năng suất lao động quyết định hiệu quả, tăng trưởng phụ thuộc vào cơ cấu của nền kinh tế. Thực tế lực lượng lao động trong nông thôn trên 70% nhưng chỉ tạo ra 30% GDP, đó là vấn đề rất lớn.
Về tài chính - ngân sách, thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trở thành động lực tăng trưởng nhanh và bền vững, theo Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn, mặc dù tỷ lệ động viên ngân sách đạt khoảng 23-24% GDP đúng theo mục tiêu đề ra, tuy nhiên cơ cấu động viên còn chưa bền vững. Nợ công đã được kiểm soát ở tầm vĩ mô toàn quốc, địa phương và ở cả nghĩa vụ nợ dự phòng của Nhà nước, tuy nhiên vẫn còn ở mức độ cao. Tính đến hết năm 2018, nợ công ở mức 57,5% GDP, trong cơ cấu chi ngân sách thì chi thường xuyên dù đã giảm từ 66% xuống còn 62% nhưng vẫn còn cao. Thặng dư thu chi cho đầu tư phát triển còn thấp hơn trong khu vực.
Trong quản lý tài chính công để thúc đẩy phát triển kinh tế, thách thức lớn nhất hiện nay đó là quản lý, quản trị tài chính công, đặc biệt là quản trị đầu tư công. Vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đánh giá hiệu quả quản lý sử dụng đầu tư công ở Việt Nam đã chỉ ra rằng đây là điểm nghẽn lớn trong quản lý tài chính công và điểm nghẽn này có thể làm suy giảm hiệu quả sử dụng tài chính công, đầu tư công tới 30%.
“Những con số đó minh chứng cho thách thức trong tái cơ cấu nền kinh tế”, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Thanh Hoa