Sóc Trăng, một tỉnh ven biển thuộc Đồng bằng sông Cửu Long, nổi tiếng với những cánh đồng lúa bát ngát, vườn cây ăn trái trĩu quả và bản sắc văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kinh, Khmer, Hoa...
Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn một bộ phận dân cư đáng kể thuộc diện nghèo và cận nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, tiếp cận các dịch vụ xã hội còn hạn chế.
Ngọn cờ đầu giảm nghèo ở Mỹ Hương
Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố như thiếu vốn sản xuất, trình độ canh tác lạc hậu, khó khăn trong tiêu thụ nông sản, biến đổi khí hậu và thiếu liên kết sản xuất.
Trong khi đó, Sóc Trăng lại có tiềm năng lớn về nông nghiệp và thủy sản. Người dân có kinh nghiệm sản xuất nhưng lại thiếu sự liên kết và hỗ trợ cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm và tiếp cận thị trường ổn định. Đây chính là mảnh đất màu mỡ để các HTX phát huy vai trò của mình.
Mô hình HTX, với bản chất là sự hợp tác tự nguyện của những người có cùng nhu cầu và lợi ích kinh tế, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho thành viên, đặc biệt là những hộ nghèo và cận nghèo.
Điều quan trọng nhất là sự phát triển của các HTX đã giúp cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Bên cạnh đó, sự gắn kết cộng đồng trong HTX còn tạo ra môi trường làm việc tích cực, hỗ trợ lẫn nhau, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
![]() |
Trồng lúa hàng hóa là thế mạnh ở Sóc Trăng. |
Điển hình thành công ở tỉnh Sóc Trăng là HTX Nông nghiệp xã Mỹ Hương ở huyện Mỹ Tú. Trước đây, xã Mỹ Hương là một trong những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao của tỉnh. Tuy nhiên, từ khi HTX Nông nghiệp được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả, đời sống của người dân đã có những chuyển biến rõ rệt.
HTX đã tập hợp các hộ nông dân trồng lúa trong xã, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng quy trình canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP. HTX cũng chủ động liên kết với các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo, đảm bảo đầu ra ổn định cho sản phẩm của thành viên với giá cả hợp lý.
Nhờ sự hỗ trợ của HTX, các thành viên không chỉ tăng năng suất và chất lượng lúa mà còn giảm được chi phí sản xuất, tăng thu nhập đáng kể. Nhiều hộ nghèo và cận nghèo đã vươn lên thoát nghèo bền vững, xây dựng được nhà cửa khang trang, con cái được học hành đầy đủ. HTX còn tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội của địa phương, góp phần giúp địa phương thực hiện tiêu chí về giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới.
HTX - giải pháp toàn diện cho giảm nghèo
Không chỉ ở Mỹ Hương, nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đã đẩy mạnh phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh hiệu quả nhờ tham gia HTX.
Cũng tại huyện Mỹ Tú, HTX Nông nghiệp Thạnh Lợi đã tập hợp các thanh niên, nông dân nhiệt huyết, liên kết sản xuất giống lúa ST24, cung ứng vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm cho thành viên.
Với quy trình bài bản, năng suất lúa của HTX luôn ở mức cao (6,5 tấn/ha). Giá bán cũng ổn định, lợi nhuận trên 30 triệu đồng/ha sau khi trừ chi phí. Điều này đã tạo động lực cho thanh niên nông thôn tham gia sản xuất nông nghiệp, tăng thu nhập. Đây cũng là một mô hình kinh tế tập thể giúp trẻ hóa lực lượng lao động nông thôn, ứng dụng giống lúa có giá trị kinh tế cao.
Còn tại HTX Mây tre đan Thủy Tuyết (thị xã Ngã Năm), nhờ tập trung phát triển nghề thủ công truyền thống, HTX tạo việc làm tại chỗ và giúp tạo ra những sản phẩm có giá trị văn hóa và kinh tế cao hơn so với cách làm nhỏ lẻ.
Để phát huy hiệu quả của mô hình kinh tế tập thể, HTX tập hợp các hộ dân có tay nghề đan đát, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây tre, lục bình phục vụ trang trí và quà tặng. Ngoài ra, HTX đứng ra ký kết hợp đồng, tìm đầu mối bao tiêu cho thành viên, người dân.
![]() |
HTX mây tre đan Thủy Tuyết đang đẩy mạnh phát triển nghề thủ công kết hợp du lịch để nâng cao giá trị kinh tế cho người dân. |
Chính vì vậy, đây được đánh giá là mô hình giảm nghèo hiệu quả khi tạo việc làm ổn định cho hơn 130 hộ dân với thu nhập bình quân từ 7-10 triệu đồng/người/ tháng, từ đó giúp nhiều hộ thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Ngoài ra, HTX còn phối hợp mở các lớp dạy nghề, tạo cơ hội việc làm cho thanh niên địa phương.
Không giống như hai HTX trên, các huyện Long Phú, Mỹ Tú… đang phát triển các HTX chăn nuôi (bò sữa, heo, gia cầm). Các HTX này tập hợp các hộ chăn nuôi, hỗ trợ nhau về kỹ thuật, giống, thức ăn, phòng dịch bệnh và tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
Những mô hình này đang giúp các hộ nhỏ lẻ tiếp cận được các dịch vụ hỗ trợ tốt hơn, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Đặc biệt, bằng việc áp dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình này đã giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, người dân có cơ hội bán vật nuôi với giá tốt hơn thông qua HTX.
Chính vì thế mà nhiều hộ đã cải thiện đáng kể thu nhập và ổn định cuộc sống nhờ tham gia HTX chăn nuôi như HTX Nông nghiệp Tân Lập, HTX Chăn nuôi Chồn hương Cù Lao Dung…
Có thể thấy, các mô hình HTX giảm nghèo ở Sóc Trăng cho thấy sự đa dạng trong lĩnh vực hoạt động, từ nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đến chăn nuôi. Điểm chung của các mô hình thành công là sự liên kết chặt chẽ giữa các thành viên, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tìm kiếm thị trường ổn định và có sự hỗ trợ tích cực từ Liên minh HTX các cấp và chính quyền địa phương trong tiếp cận vốn, hỗ trợ con giống, ứng dụng khoa học kỹ thuật và liên kết bao tiêu đầu ra. Đây là những kinh nghiệm quý báu có thể nhân rộng để góp phần giảm nghèo bền vững cho người dân Sóc Trăng.
Nhân rộng mô hình HTX để giảm nghèo
Sự phát triển của các HTX đã đóng góp tích cực vào quá trình giảm nghèo của tỉnh. Theo đó, năm 2024, tỉnh đã giảm 4.042 hộ nghèo và 4.569 hộ cận nghèo. Toàn tỉnh hiện còn 4.484 hộ nghèo (tỉ lệ 1,34%); 17.084 hộ cận nghèo (tỉ lệ 5,10%).
Để phát huy hơn nữa vai trò của HTX trong công cuộc giảm nghèo ở Sóc Trăng, các cơ quan quản lý cho rằng, việc tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức về vai trò và lợi ích của việc tham gia HTX, đặc biệt là đối với các hộ nghèo và cận nghèo là rất cần thiết. Vì đây chính là mô hình phù hợp với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, giúp họ phát huy sức mạnh để sản xuất kinh doanh hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý, thủ tục hành chính cho việc thành lập mới và củng cố các HTX hiện có cũng rất cần thiết. Đây là điều kiện để chứng minh vai trò của mô hình HTX và thu hút người dân vào HTX một cách thuận lợi.
Nhưng để các HTX được phát triển và tạo sức lan tỏa, tỉnh cần chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Đi liền với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và chế biến cho các HTX, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh.
Điển hình như việc tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, các chương trình tín dụng hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hay việc nâng cao năng lực quản trị và điều hành giống như việc Liên minh HTX Việt Nam phối hợp với Liên minh tỉnh tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ HTX là rất quan trọng, mang lại hiệu quả thiết thực cho các HTX.
Tùng Lâm