Sinh năm 1951 tại làng quê thuần nông nghèo khó Thọ Vuông (xã Đông Thọ, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) trong một gia đình gia giáo, đông con. Năm 1971, ông tham gia chiến đấu ở mặt trận Quảng Trị. Năm 1977, Thượng sĩ Ngô Văn Chiến rời quân ngũ đúng lúc kinh tế đất nước đang khó khăn.
Muốn phát triển, phải sản xuất
Gánh nặng gia đình đè nặng trên đôi vai gầy yếu của ông. Vừa lao vào công tác ở xã, ông vừa phải nấu rượu lậu để kiếm miếng cơm manh áo. Ông sắm 2 chiếc xe đạp cà tàng cùng người vợ ngày ngày bám theo các đàn anh ở Văn Môn - miền quê giàu có nhất huyện Yên Phong, đi buôn phế thải.
Hai vợ chồng ông lang thang khắp các hang cùng ngõ hẻm ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai... để mua bán, đổi chác, tích góp tiền bạc làm nhà, cưới vợ cho các em.
Khi khối Đông Âu tan rã, đất nước chuyển dần sang nền kinh tế thị trường, ông Chiến sớm nhận ra: Muốn phát triển kinh tế phải sản xuất kinh doanh hàng hóa lớn, phải tạo ra được các giống gia cầm mới có chất lượng cao để mở rộng thị trường. Với quyết tâm đó, ông Chiến đến thẳng Viện Chăn nuôi ở Hà Nội để mua giống gà, vịt, ngan tốt.
Ông đầu tư mua một máy ấp trứng công suất 3.000 quả/lần, rồi lại phải lần mò đi học lỏm hết nơi này sang nơi khác về kỹ thuật ấp nở, nhưng ai cũng giấu bí quyết nghề nghiệp.
Với mớ kiến thức ít ỏi, ban đầu ông ấp trứng chỉ đạt 30% số trứng nở con. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tự tìm hiểu qua sách báo, ông Chiến cũng thành công: Doanh thu mỗi năm đạt hàng tỷ đồng từ con giống và trứng bán ra thị trường.
Để mở rộng và phát triển kinh doanh bền vững, ông Chiến đứng ra thành lập HTX Chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh. Ông đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại hiện đại với hệ thống quạt thông hơi bảo đảm ấm về mùa đông và thoáng mát về mùa hè.
Ông cũng đầu tư mua 8 máy ấp trứng công suất 2 vạn trứng/máy, 3 máy nở trị giá mỗi loại 60 triệu/máy; trang bị hệ thống phát điện bảo đảm 24/24h. Bình quân 4 ngày ông Chiến cho ra lứa gà, mỗi lứa gần 2 vạn con.
![]() |
Giám đốc HTX Chăn nuôi gia cầm Cường Thịnh Ngô Văn Chiến |
Thương hiệu tỏa sáng
Nhờ công nghiệp hóa trong sản xuất mà mỗi năm HTX cung cấp ra thị trường toàn quốc 2 triệu con giống các loại: Gà Ai Cập siêu đẻ trứng, gà ri, gà lai chọi... có chất lượng cao. Đây là những sản phẩm do chính bản thân Giám đốc Ngô Văn Chiến đã dày công nghiên cứu, sàng lọc, lai tạo. Những sản phẩm này đã giúp HTX sản xuất, kinh doanh thắng lợi.
Thời kinh tế toàn cầu, Yên Phong đã trở thành KCN lớn, đất giành cho sản xuất nông nghiệp không còn. Ngay cả quê hương giám đốc Chiến, KCN Đông Thọ cũng mọc lên.
Để giải quyết bài toán thiếu đất, giám đốc Chiến mở ra được 6 vệ tinh cho HTX. Ông cung cấp con giống, vốn cho vệ tinh chăn nuôi rồi mua lại trứng của họ mang về ấp nở cung cấp cho thị trường toàn quốc đang “khát” giống gia cầm mang thương hiệu Cường Thịnh.
Hiện nay HTX có 5,5 ha đất, 3 ha diện tích mặt nước để thả cá, 150 m2 chuồng nuôi 100 con lợn nái và lợn thịt, 1.000 m2 chuông nuôi 1,2 vạn con gà bố mẹ và gà thịt, 700 m2 nhà ở...
HTX giải quyết việc làm thường xuyên và thời vụ cho 50 lao động với mức lương 6 - 7 triệu/ người/tháng. Người ở xa đến làm đều được bố trí nhà ở chú đáo. HTX luôn mở rộng và tự đổi mới, tạo ra các ngành nghề mới như sản xuất kinh doanh đồ mộc để tăng thu nhập.
Năm 2018, doanh thu của HTX đạt gần 10 tỷ đồng, cao gấp 2 lần năm 2017, làm nghĩa vụ đóng thuế với nhà nước 70 triệu đồng.
Nhờ tạo được các giống gia cầm mang thương hiệu HTX Cường Thịnh, Giám đốc Ngô Văn Chiến nổi lên tỏa sáng trên bầu trời xứ Bắc và trên khắp cả nước. Ngày 19/9/2017, ông được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Quang Dũng