![]() |
Măng cụt đang mở hướng làm giàu bền vững cho HTX (Ảnh tư liệu) |
Sản xuất khoa học
Cây măng cụt có mặt ở cồn Tân Qui, xã An Phú Tân hàng trăm năm nay và được xem là cây đặc sản nổi tiếng của tỉnh Trà Vinh. Măng cụt xứ cồn khác hẳn những nơi khác bởi trái to, vỏ mỏng, hạt nhỏ, màu tím đậm rất đẹp, vị ngọt thanh… và năng suất luôn đạt cao, bình quân khoảng 11-12 tấn/ha.
Nhờ những lợi thế đó mà cây măng cụt giúp nhiều hộ dân làm giàu với mức thu nhập trung bình từ 200 - 250 triệu đồng/ha. Để phát triển bền vững cây măng cụt, chính quyền xã An Phú Tân đã chủ động thành lập HTX để thu hút người dân vào làm ăn liên kết.
Năm 2013, HTX măng cụt Tân Thành được thành lập. Ông Đỗ Văn Tài – Giám đốc HTX, cho biết khi HTX ra đời và hoạt động ổn định, được Sở KH&CN Trà Vinh hỗ trợ đề án xây dựng nhãn hiệu tập thể “Măng cụt Tân Qui”.
Đến nay, sau nhiều năm nỗ lực quảng bá, thương hiệu măng cụt xứ cồn đã vang xa đến nhiều đối tác trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, thành viên HTX được tập huấn về kỹ thuật trồng măng cụt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm…
“Nhờ nắm chắc kỹ thuật, thành viên HTX tăng thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/ha so với trồng đại trà bên ngoài. Năng suất tăng, chất lượng và mẫu mã trái đẹp nên bán được giá cao. Hiện, HTX đang tích cực mở rộng diện tích sản xuất VietGAP để nâng cao giá trị sản xuất cho thành viên”, Giám đốc Đỗ Văn Tài cho hay.
Hiện, măng cụt cồn Tân Qui được cung ứng cho nhiều siêu thị ở Tp.HCM, Hà Nội, Đồng bằng Sông Cửu Long và các doanh nghiệp chuyển đi tiêu thụ các nơi với giá cao hơn những nơi khác khoảng 5.000 đồng/kg.
Được biết, thời gian tới, HTX sẽ sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP để tăng sản lượng xuất khẩu măng cụt Tân Qui vào những thị trường khó tính (như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…) với giá cao.
![]() |
Măng cụt VietGAP có chất lượng vượt trội, được thị trường ưa chuộng, giá bán cao (Ảnh TL) |
Nông dân đổi đời
Tại vườn măng cụt rộng 2,7 ha, ông Lưu Văn Nhiêu - người được cư dân xứ cồn tôn vinh “Vua măng cụt”, cho biết gia đình ông sống nhờ cây măng cụt, từ nhà cửa, xe cộ đến chuyện ăn, học của con cái đều từ măng cụt mà ra.
“Măng cụt càng lớn tuổi càng cho nhiều trái, quan trọng là kỹ thuật chăm sóc tốt. Cây măng cụt cổ thụ có thể cho 2 – 3 tạ, thậm chí 4 – 5 tạ/cây. Nhờ năng suất cao, trái đẹp, thị trường ổn định, hiện mỗi năm tôi thu về trên dưới 300 triệu đồng”, ông Nhiêu chia sẻ.
Cùng chung niềm vui, với hơn 1 ha trồng măng cụt theo quy trình VietGAP, mỗi năm ông Nguyễn Văn Tỵ thu về hàng trăm triệu đồng, thị trường tiêu thụ lúc nào cũng thuận lợi nhờ sự đồng hành của HTX.
Ông Tỵ cho biết, chăm sóc cây măng cụt không khó mà cái khó hơn là tuân thủ các yêu cầu khi trồng theo VietGAP. Chi phí đầu tư gồm giống, phân bón cho 1ha tốn khoảng 20 triệu đồng, trong đó cây giống khoảng 1,6 triệu đồng trên 200 cây.
“Những năm qua, giá bán măng cụt ổn định ở mức 40.000 – 50.000 đồng/kg. Để có giá ổn định, chúng tôi luôn phải đảm bảo quy trình sản xuất để tạo ra những sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp”, ông Tỵ nói.
Với những thành công đang có cùng với xu hướng phát triển của cây măng cụt, HTX Tân Thành đang có các chủ trương khuyến khích hộ trồng giữ vững tiêu chuẩn trồng VietGAP, tạo nền tảng hình thành vùng chuyên canh và nâng tầm thương hiệu măng cụt địa phương.
Hưng Nguyên