Được biết, cách đây 19 năm đơn vị được thành lập nhưng mới chỉ là một tổ hợp tác (THT), chủ yếu làm dịch vụ cung ứng phân bón, vôi bột, vận chuyển vật liệu xây dựng, đảm nhận thi công hạ tầng thủy lợi, sản xuất đá sa thạch…
Chiến lược bài bản
Sau 9 năm đi vào hoạt động, vấn đề thiếu năng lực về vốn xuất hiện, thêm vào đó dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp không có lãi, thậm chí là thua lỗ. Tuy nhiên, một số loại hình sản xuất - kinh doanh khác cho lợi nhuận cao. Giai đoạn 2001-2009, bình quân hàng năm doanh thu đạt gần 2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 250 triệu đồng, chủ yếu là từ sản xuất đá sa thạch.
![]() |
Ngành nghề chính của HTX là sản xuất, chế biến, cung ứng đá sa thạch (Ảnh: TL) |
Ngày 17/3/2009 THT chuyển đổi từ mô hình kinh tế THT thành HTX. Đến năm 2011, thời điểm mà mặt hàng đá sa thạch rất được thị trường ưa chuộng và nguồn nguyên liệu tại địa phương rất dồi dào nên HTX quyết định dừng tất cả loại hình dịch vụ liên quan đến sản xuất nông nghiệp, theo đuổi ngành nghề chính là sản xuất, chế biến, cung ứng đá sa thạch.
Chia sẻ với chúng tôi, đại diện HTX cho biết: “Bắt đầu từ đó, HTX Duy Phú có sự thay đổi lớn về chất, năng lực quản lý và điều hành của đội ngũ cán bộ lãnh đạo từng bước được nâng cao. Những quyết sách, chiến lược trong sản xuất - kinh doanh được xây dựng bài bản, thể hiện sự linh hoạt, năng động.
Nhờ vậy, doanh thu tăng mạnh theo từng năm và tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân trong vùng. Có thể khẳng định, đây thực sự là hướng đi đúng đắn”.
Theo ông Nguyễn Đức Thời (thôn Mỹ Sơn, xã Duy Phú), hồi trước ông đi làm thợ hồ rồi phụ xe buýt nhưng thu nhập rất bấp bênh. Ông đã xin vào làm việc ở cơ sở đá sa thạch Mỹ Sơn, trung bình mỗi ngày được trả công 200 nghìn đồng, khoản tiền đó đủ trang trải cuộc sống và quan trọng nhất là ở gần nhà.
Hiện, cơ sở sản xuất đá của HTX Duy Phú cũng đã tạo công ăn việc làm ổn định cho 40 lao động, chủ yếu là người dân tại thôn Mỹ Sơn với mức lương bình quân hàng tháng 6 - 7 triệu đồng/người.
Đầu tư sản xuất an toàn
Được sự hỗ trợ 200 triệu đồng từ Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, HTX đã mở lớp dạy nghề chế tác đá cho người dân địa phương và mua sắm 16 máy cắt đá. Thêm vào đó, tập trung làm tốt công tác tiếp thị và đa dạng hóa sản phẩm. Từ đó, HTX nhận được nhiều đơn đặt hàng, doanh thu không ngừng tăng lên.
![]() |
Cơ sở sản xuất đá sa thạch của HTX Duy Phú (Ảnh: TL) |
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam cho vay ưu đãi 2 tỷ đồng cộng với tiền lãi mỗi năm có được, HTX đầu tư mua sắm nhiều trang thiết bị máy móc hiện đại để phục vụ sản xuất. Nhằm đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm đá sa thạch Mỹ Sơn, HTX đã mở 2 cửa hàng bán lẻ truyền thống tại tỉnh Gia Lai và TP.Đà Nẵng cùng một số điểm khác ở Quảng Nam.
Đặc biệt, HTX luôn chú trọng cải thiện điều kiện làm việc của người lao động như chống nóng, chống bụi, trồng cây xanh, cải tạo cảnh quan môi trường ở các khu vực sản xuất, giảm thiểu nguy cơ mất an toàn lao động.
Không chỉ vậy, HTX cũng quan tâm đến chế độ tiền lương, tiền thưởng và thực hiện các chế độ khác đối với thành viên như đóng đầy đủ loại hình bảo hiểm cho cán bộ, nhân viên làm việc thường xuyên và trang bị đồ bảo hộ lao động.
Bên cạnh đó, những gia đình nghèo khó, ốm đau, hiếu hỷ luôn được HTX kịp thời động viên, hỗ trợ chi phí… vì vậy tạo được sự gắn bó lâu dài giữa người lao động với HTX.
Thời gian tới, HTX vẫn tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nhạy bén, năng động trong hoạt động sản xuất - kinh doanh và nỗ lực tạo niềm tin cho khách hàng. Đổng thời, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa đối với đại lý, sử dụng hiệu quả công cụ marketing, tích cực tìm kiếm đối tác để ngày càng có thêm nhiều đơn đặt hàng, nâng cao thu nhập cho người lao động hơn nữa.
Nguyễn Đan