Mang lại thu nhập khá
Nhận thấy nuôi chim bồ câu rất đơn giản, không đòi hỏi đầu tư nhiều mà lại đem về thu nhập khả quan, ông Trần Tần (thôn Bình Bắc, xã Tịnh Bình) đã đi tìm hiểu thêm nhiều nơi, quyết định đầu tư nuôi chim bồ câu.
![]() |
Nuôi chim bồ câu không cần tốn nhiều chi phí, mang lại hiệu quả cao (Ảnh: TL) |
Thời gian đầu, ông mua 20 cặp chim bồ câu sinh sản giống Hà Lan, nuôi theo phương pháp nhốt chuồng. Sau một thời gian chăm sóc và nhân giống, số cặp bồ cầu sinh sản trong chuồng của gia đình ông lên tới 150 cặp.
Ông Tần chia sẻ, bồ câu nuôi ít dịch bệnh, thức ăn cho bồ câu là lúa, gạo lứt, thức ăn công nghiệp. Sau 4 tháng nuôi, chim bắt đầu sinh sản, bình quân, mỗi cặp một năm sinh sản 10 đợt, mỗi đợt đẻ 2 trứng. Trứng bồ câu ấp 14 ngày sẽ ra ràng, mỗi cặp bán với giá khoảng 90 ngàn đồng. Với bồ câu sinh sản có giá 250 ngàn đồng/ cặp.
Từ việc thấy được từ quá trình nuôi, chăm sóc chim bồ câu đơn giản, hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân đã học hỏi nhân rộng mô hình nuôi bồ câu giống, bồ câu thịt.
Tuy nhiên, do còn chăn nuôi mang tính nhỏ lẻ, hiệu quả sản xuất chưa cao, việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi chim bồ câu còn hạn chế và thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, do đó không tránh khỏi rủi ro khi nuôi chim.
“Nếu như có THT thì đầu ra sẽ tốt, vì đầu ra rất cần nhưng mà vấn đề mình nuôi nhỏ lẻ như vầy là không đủ để tiêu thụ, ví dụ như nhà hàng người ta tới đặt mỗi ngày là cung ứng 20 – 30 cặp mình đâu có đủ như vậy, nếu có tổ hợp tác thì tốt quá mỗi hộ có 5 cặp – 10 cặp thì mình hợp lại để cung cấp, vì nhà hàng thì ngày nào người ta cũng cần liên tục chứ đâu phải chỉ 1 bữa 2 bữa”, ông Trần Tần chia sẻ thêm.
Ổn định đầu ra
Nhìn nhận được khó khăn trong việc nuôi chim bồ câu, cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, Hội nông dân xã Tịnh Bình đã vận động những hộ nuôi chim bồ câu trên địa bàn xã thành lập THT hộ nông dân nuôi chim bồ câu gồm 10 thành viên, mỗi thành viên nuôi từ 40 cặp bồ câu.
![]() |
Chim bồ câu sinh sản giống Hà Lan (Ảnh: TL) |
THT ra đời đã giúp hộ nông dân có điều kiện gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời chủ động được giá và tìm đầu ra cho sản phẩm vật nuôi nhằm tăng thu nhập cho người dân.
Ông Trần Tảo (thôn Bình Đông, xã Tịnh Bình) rất phấn khởi khi được tham gia vào THT. Chia sẻ với chúng tôi, ông nói rằng, đây chính là cơ hội cho ông được học hỏi về thiết kế xây dựng chuồng trại, đầu tư xây dựng hệ thống ăn, uống tự động, các tiêu chí đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trong đó nhất là việc tìm đầu ra cho sản phẩm của gia đình.
“Hiện nay, trong chuồng của gia đình tôi có 50 cặp chim bồ câu sinh sản giống Pháp, diện tích 12 mét vuông, nên tôi dự tính năm 2015 này tôi dự tính sẽ mở rộng ra 2000 mét vuông, chính vì thế khi tham gia vào tổ hợp tác nuôi chim bồ câu tôi mong muốn sẽ được tạo điều kiện nguồn vốn để phát triển kinh tế’’, ông Tảo cho biết thêm.
Đặc biêt, các thành viên trong tổ sẽ được Hội nông dân xã tạo điều kiện để được vay vốn và hướng dẫn truy cập internet nắm bắt kỹ thuật nuôi, chăm sóc chim bồ câu.
“Khi có THT được rồi thì chúng ta sẽ khuyến cáo rộng rãi hơn, được tư vấn nhiều hơn, và giúp cho các hộ đầu tư tốt hơn, Nhà nước sẽ có những ưu đãi về nguồn vốn cho những hộ này, Hội nông dân sẽ là những người trung gian cùng với Hội nông dân cấp trên chuyển tải những thông tin này cho nhiều người biết quê mình có tổ hợp tác như thế để tạo nguồn sản phẩm bán ra các nơi đối với những người có nhu cầu”, lãnh đạo Hội nông dân xã Tịnh Bình cho biết.
Có thể nói, THT nuôi chim bồ câu ở xã Tịnh Bình được thành lập chính là cơ sở để từng bước thay thế các giống vật nuôi cũ tại địa phương bằng các loại vật nuôi mới cho năng suất cao. Từ đó thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất của người dân.
Nhật Nam