Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí nông thôn mới, việc nâng cao thu nhập cho người dân là tiêu chí được xác định là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt. Để hiện thực hóa, các địa phương trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã liên tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác, HTX.
Liên kết là sức mạnh
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 268 HTX với tổng số 10.343 thành viên và 9.636 lao động, tổng số vốn điều lệ 662,4 tỷ đồng. Tổng doanh thu các HTX hơn 336,3 tỷ đồng, đóng góp vào GRDP tỉnh đạt 0,55%.
Cùng với việc lấy lợi ích kinh tế làm mục tiêu chính, các HTX còn mang tính liên kết, bổ trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên, nông dân liên kết xóa đói, giảm nghèo, tiến tới làm giàu, đồng thời đóng góp phát triển cộng đồng, trong đó có xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh đã có một số mô hình HTX kiểu mới gắn với chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của tỉnh. Điển hình như gạo, dứa, rau củ quả, miến dong, cá tầm, gia súc, gia cầm…
![]() |
Nông thôn mới tỉnh Điện Biên đang có những chuyển biến tích cực. |
HTX Công nghệ cao Bản Mé tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên đang là một trong số điểm sáng đáng chú ý. Không chỉ thể hiện vai trò rõ nét trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, mà HTX còn giúp người dân nâng cao ý thức trong quá trình sản xuất, tạo ra những sản phẩm an toàn.
Thành lập năm 2017, HTX Công nghệ cao Bản Mé có vốn điều lệ trên 13 tỷ đồng với 68 thành viên. Ngay từ khi được thành lập, HTX đã xác định những ưu thế trong sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ. Với diện tích 3.500 m2, HTX đã tập trung trồng các loại cây như cà chua Beef, cà chua Chocolate, dưa leo Baby…
Hay như HTX dịch vụ tổng hợp Thanh Yên đang tập trung sản xuất lúa gạo chất lượng cao theo nguyên tắc “3 không”. Đến nay, HTX có 3 sản phẩm gạo gồm Tâm Sáng - Séng cù, Tâm Sáng - Tám thơm và gạo lứt Séng cù được UBND tỉnh Điện Biên cấp giấy chứng nhận là sản phẩm OCOP 3 sao.
Với các chính sách hỗ trợ của tỉnh, từ năm 2017, HTX triển khai thực hiện thí điểm dự án “Cánh đồng lớn” liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao quy mô 31ha. Ðể nông dân yên tâm tham gia liên kết, HTX hỗ trợ bà con 100% giống, vật tư; hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc lúa an toàn và bao tiêu toàn bộ sản phẩm với giá cả ổn định, luôn cao hơn giá thị trường…
Thúc đẩy nông thôn mới
Bên cạnh hoạt động hiệu quả của các HTX, tỉnh Điện Biên hiện có 403 tổ hợp tác nông nghiệp với 2.738 thành viên. Các tổ hợp tác hoạt động ở các lĩnh vực như khuyến nông, nước sạch, khai thác thủy sản...
Ở mỗi địa phương, các HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả có vai trò rất quan trọng trong xây dựng nông thôn mới. Trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thì HTX, tổ hợp tác đã tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp đến 9 tiêu chí, như hình thức tổ chức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, giao thông, thủy lợi, thương mại, cơ cấu lao động, môi trường, an ninh, trật tự xã hội.
Phải nhấn mạnh, Điện Biên là tỉnh miền núi có 129 xã, phường, thị trấn. Giai đoạn 2016-2020 toàn tỉnh vẫn còn 114 xã cần phải hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tỉnh xây dựng nông thôn mới trong điều kiện nhiều khó khăn.
Đến nay, với những đóng góp tích cực của khu vực kinh tế hợp tác, HTX, nông thôn mới trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp trên địa bàn tỉnh. Nông thôn được quy hoạch theo hướng phát triển toàn diện. Cơ sở hạ tầng thiết yếu được đầu tư, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, tỷ lệ hộ nghèo giảm. Các điều kiện về y tế, giáo dục, văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.
Với những thành công đang có, mục tiêu tỉnh Điện Biên phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó, có 10% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, xã nông thôn mới kiểu mẫu); 50% số thôn, bản được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Điện Biên xác định, tập trung ưu tiên chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là các địa phương cần xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện thật cụ thể, chi tiết, nhất là giải pháp hỗ trợ các thôn, bản địa bàn vùng gian khó để từng bước hoàn thành tiêu chí nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
Ngoài ra, thực tế cho thấy, ở nhiều địa phương khi thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về hệ thống hạ tầng, làm đường giao thông, nhiều hộ dân hiến đất, hiến nhà để làm nông thôn mới.
Vì vậy, việc huy động sức mạnh tinh thần, vật chất của nhân dân trong xây dựng nông thôn mới là vấn đề quan trọng. Muốn vậy, địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội.
Hoàng Dung