Đến nay, toàn huyện có 9/9 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó xã NTM Trung An được công nhận là xã NTM nâng cao. Huyện hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM.
Phát triển kinh tế vườn gắn với mô hình hợp tác
Từ năm 2011, với số tiền huy động hơn 5.800 tỷ đồng để xây dựng NTM, huyện đã ưu tiên đầu tư hoàn thiện các công trình phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh như hệ thống thủy lợi, đê bao, cầu, đường giao thông nông thôn, các thiết chế văn hóa. Nhờ đó, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, bộ mặt nông thôn đổi mới, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 86,32%; hộ sử dụng nước sạch đạt 92,01%...
![]() |
Tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường liên kết thành lập các HTX nông nghiệp để thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp. (Ảnh: Int) |
Đáng chú ý, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện Cờ Đỏ đạt 48,2 triệu đồng/năm và tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 0,81%.
Có được kết quả này là do huyện đã phát triển khá hiệu quả mô hình kinh tế vườn, tạo doanh thu và lợi nhuận gấp 3-5 lần so với trồng lúa. Song, về sự phát triển kinh tế vườn còn bộc lộ những hạn chế: Quy mô còn nhỏ lẻ; chưa có nhà xưởng sơ chế, bảo quản và nhà máy chế biến nên ảnh hưởng đến chất lượng và giá trị; thiếu sự liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, sản phẩm chủ yếu bán cho thương lái nên giá cả bị lệ thuộc và không ổn định...
Ðể khắc phục trình trạng sản xuất manh mún nhỏ lẻ, đầu ra thiếu ổn định, huyện đã và đang tích cực hỗ trợ, khuyến khích nông dân tăng cường liên kết thành lập các HTX nông nghiệp để thuận lợi trong kết nối với doanh nghiệp.
Điển hình như HTX Nông nghiệp Lộc Hưng (xã Thới Hưng), nhờ tăng cường áp dụng công nghệ, sản xuất theo quy trình VietGAP, đang liên tục thu về những thành công tích cực.
HTX hiện có 19 thành viên, với tổng diện tích 47ha, trong đó có 30,5ha xoài được canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP, đã ký hợp đồng liên kết với doanh nghiệp.
Cũng tại xã Thới Hưng, Tổ hợp tác (THT) Quyết Tâm với 16 thành viên cùng diện tích bình quân mỗi hộ khoảng 2ha trồng cây ăn trái như: xoài, nhãn, mãng cầu gai… đang mang lại hiệu quả thiết thực. Các thành viên THT trồng các loại cây ăn trái theo mô hình tiêu chuẩn VietGAP nên thuận lợi trong việc tiêu thụ.
Đặc biệt, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao nhưng vườn trồng xoài của các thành viên THT này đều bán được với giá hơn 26.000 đồng/kg, cao hơn từ 2.000-5.000 đồng/kg so với thị trường nhờ chất lượng, trọng lượng trái đạt độ đồng đều cao.
Bên cạnh đó, các thành viên trong THT còn góp vốn xoay vòng với số tiền 100.000 đồng/tháng. Đến nay, số vốn lên đến hơn 30 triệu đồng để hỗ trợ thành viên không tính lãi trong 3 tháng nhằm giải quyết kịp thời việc đầu tư vào vườn cây trái, thuê mướn lao động… khi khó khăn. Việc này không những hỗ trợ vốn thiết thực cho thành viên mà giúp các thành viên trong THT đoàn kết, tin tưởng, giúp nhau trong sản xuất, đời sống.
Thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể
Nhận thức được tầm quan trọng của mô hình kinh tế hợp tác, từ năm 2019, Ban Thường vụ Huyện ủy Cờ Ðỏ đã xây dựng và ban hành Ðề án về phát triển kinh tế tập thể và kinh tế vườn huyện Cờ Ðỏ giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể và nông nghiệp tại địa phương.
Toàn huyện hiện có 4 HTX nông nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận sản xuất đạt theo tiêu chuẩn VietGAP đối với lúa, cây ăn trái và thủy sản, 3 HTX đã đăng ký nhãn hiệu tập thể.
Cùng với đó là 307 THT hoạt động trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, cánh đồng lớn và dịch vụ bơm tưới. Các HTX và THT nông nghiệp đã phát triển nhiều dịch vụ phục vụ cho thành viên và liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân và cung ứng vật tư đầu vào với chất lượng đảm bảo và giá cả phù hợp.
Tuy có sự quan tâm và đạt được một số kết quả, nhưng nhìn chung sự phát triển kinh tế tập thể còn nhiều hạn chế. Hầu hết các HTX chưa có trụ sở riêng, cơ sở vật chất nghèo này, máy móc, thiết bị hoạt động đơn giản, thiếu vốn và còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước,...
Trước thực trạng đó, huyện đề ra phương hướng: Phát phát triển kinh tế tập thể với xây dựng và nâng chất các xã NTM; khơi dậy tinh thần đoàn kết để nông dân vượt qua rào cản nhằm thúc đẩy hợp tác sản xuất và hội nhập phát triển. Đối với các HTX nông nghiệp phải đảm bảo hoạt động sản xuất theo nhu cầu thị trường, theo chuỗi giá trị, ứng dụng tốt thành tựu khoa học - công nghệ, cung cấp sản phẩm sạch cho thị trường, từ đó nâng cao thu nhập cho thành viên HTX và người dân. Đối với các HTX phi nông nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu thị trường, thúc đẩy phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Bên cạnh đó, huyện đặt ra các mục tiêu cụ thể. Đối với HTX nông nghiệp: Giai đoạn 2020 - 2025 xây dựng hoàn thiện 15 HTX với 50% HTX có doanh thu trên 1,5 tỷ đồng/HTX/năm, có liên kết bao tiêu sản phẩm, có đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, mã vạch, chỉ dẫn địa lý, có truy xuất nguồn gốc...; giai đoạn 2025 - 2030 phát triển thêm 10 HTX nâng tổng số lên 45 HTX, trong đó có 2 - 4 HTX trồng màu và 1 HTX nông nghiệp phát triển theo hướng công nghệ cao. Đối với các HTX phi nông nghiệp, giai đoạn 2020 - 2025 phát triển thêm 4 HTX với doanh thu trên 2,5 tỷ đồng/HTX/năm, 100% HTX được đánh giá hàng năm, trong đó có trên 80% đạt hiệu quả; giai đoạn 2025 - 2030 phát triển thêm 6 HTX nâng tổng số lên 14 HTX.
“Cờ Đỏ sẽ vận dụng hiệu quả các chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện để HTX phát triển phù hợp với thực tiễn, gắn việc củng cố, phát triển HTX với chương trình xây dựng NTM, với yêu cầu phát triển kinh tế tập thể trở thành một trong những thành phần kinh tế trọng tâm của huyện”, đại diện UBND huyện cho biết.
Nhật Nam