Từ năm 2019 đến nay, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh” đã phát triển sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các gia đình đã nghiêm túc thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Đóng góp lớn từ các HTX
Nhờ đó, số gia đình văn hóa, thôn văn hóa ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Hàng năm, bình quân toàn huyện có trên 98% số hộ gia đình đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, đến nay có 64/76 thôn, khu phố đăng ký xây dựng thôn, khu phố văn hóa; 35/64 trường đạt chuẩn Quốc gia, tỉ lệ huy động trẻ mẫu giáo 5 tuổi là 100%, học sinh 6 tuổi vào lớp 1 là 100%.
Bên cạnh đó, ban lãnh đạo huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí cùng nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để bê tông hóa đường giao thông nông thôn, cứng hóa đường làng, ngõ xóm; các xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp đường giao thông bê tông nông thôn, giao thông nội đồng, nạo vét kênh mương thủy lợi, sửa chữa nhà văn hóa, trường học, xây dựng cầu dân sinh, đường vào nghĩa trang... với tổng số tiền hơn 17 tỷ đồng.
![]() |
Huyện Tánh Linh nỗ lực phát triển kinh tế để xây dựng NTM. (Ảnh: Int) |
Mặc dù vậy, đời sống của một bộ phận người dân vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập thấp, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hạ tầng khu dân cư, giao thông, thủy lợi, nước sạch và môi trường ở một số nơi chưa đảm bảo; an ninh trật tự có mặt còn tiềm ẩn phức tạp...
Theo đó, các cấp chính quyền đã vận động nhân dân đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Trong đó phải kể đến sự đóng góp tích cực của các Hợp tác xã trên địa bàn huyện.
Vốn là huyện miền núi của tỉnh Bình Thuận, giáp với cao nguyên Lâm Viên, Tánh Linh cũng là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, là vựa lúa, cho ra hạt gạo ngon. Thương hiệu Gạo Tánh Linh nổi tiếng trong và ngoài nước, do những nông dân miền núi khăn gói đi Viện lúa ĐBSCL học hỏi làm ra…
Là một trong những người tiên phong được huyện chọn đi Viện lúa ĐBSCL học cách làm lúa giống, ông Nguyễn Đình Chiến (hiện là giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ Gia An) đã phát triển HTX lên 14 thành viên là nông dân.
Theo ông Chiến, hiện nay mỗi năm HTX Dịch vụ Gia An cung cấp cho bà con nông dân ở Tánh Linh khoảng 300 tấn lúa giống. Hơn nữa, để việc sản xuất lúa giống phục vụ bà con nông dân tốt hơn, ông đã đầu tư cơ giới hóa như máy cày và một số phương tiện áp dụng công nghệ số… Nhờ đó, sau khi trừ các chi phí, thu nhập hàng tháng, mỗi thành viên của HTX đạt khoảng gần chục triệu đồng (chỉ tính làm lúa giống).
Cũng là một trong những người áp dụng giống lúa mới sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đức Bình đã kết nối hơn chục thành viên là nông dân ở xã Đức Bình cùng tham gia "dồn điền" với diện tích hơn 20 ha, sản xuất lúa chất lượng cao theo quy trình khép kín, tiêu chuẩn VietGAP.
Được biết, ban đầu toàn huyện chỉ có 3 HTX và 3 Tổ hợp tác chuyên sản xuất giống lúa với diện tích khoảng 50 ha/vụ (chỉ sản xuất 2 vụ lúa giống/năm) tham gia. Song đến nay, nhãn hiệu Gạo Tánh Linh đã có một số đơn vị trên địa bàn sử dụng, đóng bao sản phẩm theo hướng hữu cơ với số lượng khoảng 1000 tấn/năm như gạo Đức Lan, Đức Phú, Nghị Đức, Đức Bình… đem lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.
Xây dựng huyện đạt chuẩn NTM vào năm 2025
Nhận thức rõ ý nghĩa và tầm quan trọng to lớn của việc xây dựng NTM đối với sự phát triển chung ở địa phương trong thời gian tới, huyện Tánh Linh đã đưa ra 1 trong 2 nhiệm vụ trọng tâm trong 5 năm tới là xây dựng huyện Tánh Linh đạt chuẩn NTM vào năm 2025.
Đây được đánh giá là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và của toàn xã hội, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng trong huyện; phát huy truyền thống đoàn kết, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, làm có hiệu quả của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện; tạo thành chương trình hành động cách mạng rộng lớn, sâu sắc, làm chuyển biến căn bản, toàn diện bộ mặt NTM, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.
Theo kế hoạch, đến năm 2025, Tánh Linh phấn đấu đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM. Bên cạnh đó, hàng năm, tiếp tục giữ vững, củng cố và tăng cường các tiêu chí đã đạt chuẩn (tiêu chí 3,4,6,8,9). Đồng thời, phấn đấu có 12/12 xã đạt chuẩn NTM. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì và từng bước nâng cao các tiêu chí của 7 xã đã đạt chuẩn NTM, phấn đấu có 2-3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đại diện UBND huyện cho biết, quá trình xây dựng NTM, đô thị văn minh cần phải đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa trong lĩnh vực đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, đô thị, xây dựng các công trình công cộng, nhất là lĩnh vực giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường theo chủ trương của tỉnh và Chính phủ.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng và tỷ lệ trường chuẩn quốc gia; vận động nhân dân tự nguyện tham gia các hình thức bảo hiểm y tế là nhiệm vụ quan trọng trong đảm bảo sức khỏe cho bản thân, gia đình và cho cả cộng đồng.
Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp phát triển toàn diện giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội. Phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình và các thiết chế văn hóa thể thao cơ sở. Thực hiện có hiệu quả các giải pháp bảo vệ môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp. Và tập trung xử lý tất cả các loại rác thải, nước thải theo đúng quy định.
Nhật Nam