Mèo Vạc là huyện vùng cao biên giới phía Bắc của tỉnh Hà Giang. Địa bàn huyện Mèo Vạc là nơi cư trú chủ yếu của nhiều đồng bào các dân tộc thiểu số như Mông, La Chí, Pu Péo, Nùng, Giáy...
Tập trung sản phẩm chủ lực
Nhận thức được tiềm năng của địa phương, huyện Mèo Vạc đã tập trung vào việc định hướng và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa. Các mô hình sản xuất nông nghiệp chủ lực của huyện đã được chuyển đổi theo hướng tập trung hơn, gắn với thị trường và nâng cao giá trị sản phẩm.
Một trong những hướng đi quan trọng là đẩy mạnh phát triển các sản phẩm đặc trưng như lợn đen Lũng Pù, mật ong Bạc hà, bò vàng Mèo Vạc, rượu ngô men lá và Tam giác mạch.
![]() |
Nhiều sản phẩm chủ lực đang mang lại thu nhập cao cho người dân Mèo Vạc. |
Những sản phẩm đặc trưng trên đất Mèo Vạc không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn tham gia vào chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) của địa phương, tạo thương hiệu và tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đáng chú ý, nhiều năm qua, các HTX đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi sản xuất nông nghiệp của Mèo Vạc. Nhiều HTX đã thành công trong việc tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết, giúp đảm bảo đầu ra cho sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.
Nằm tại thị trấn Mèo Vạc, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Hợp tác xã (HTX) Tuấn Dũng đang dần khẳng định vị thế là một trong những cơ sở chăn nuôi lớn, hoạt động hiệu quả và bền vững trên địa bàn.
Với định hướng phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho các thành viên, HTX Tuấn Dũng đã không ngừng mở rộng quy mô, đổi mới công nghệ và nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Đại diện HTX cho biết, những năm qua, HTX đã tập trung đầu tư mạnh vào lĩnh vực chăn nuôi lợn đen Lũng Pù – giống lợn đặc sản nổi tiếng của địa phương. Hiện nay, HTX duy trì đàn lợn với quy mô 200 con, trong đó có 50 lợn nái sinh sản và 150 con lợn thịt. Với quy trình chăn nuôi an toàn, đảm bảo vệ sinh dịch tễ, bình quân mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường khoảng 500 con lợn giống và gần 120 tấn lợn hơi. Doanh thu hàng năm đạt trên 5 tỷ đồng – một con số ấn tượng với một cơ sở sản xuất ở vùng cao.
Liên tục nâng cao thu nhập
Không chỉ tập trung vào chăn nuôi, HTX Tuấn Dũng còn phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, nổi bật là liên kết sản xuất và kinh doanh mật ong Bạc hà – một sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của cao nguyên đá Đồng Văn. Với lợi thế địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, mỗi năm HTX xuất bán khoảng 12.000 lít mật ong.
Điều đáng chú ý là các sản phẩm mật ong của HTX đều được sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt đạt chuẩn HACCP và VietGAHP, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ trọn hương vị tự nhiên. Bên cạnh đó, sản phẩm còn được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, góp phần nâng cao giá trị và uy tín thương hiệu trên thị trường.
Thành công trong sản xuất và kinh doanh giúp HTX Tuấn Dũng không chỉ ổn định thu nhập cho các thành viên mà còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương.
![]() |
Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến. |
Hiện tại, HTX đang giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, với mức thu nhập ổn định từ 5 đến 7 triệu đồng/người/tháng. Đây là nguồn động lực quan trọng góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng cao.
Với định hướng phát triển bền vững, HTX Tuấn Dũng đang tiếp tục đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời xây dựng hệ thống nhận diện thương hiệu, đẩy mạnh kết nối thị trường tiêu thụ.
Cùng với HTX Tuấn Dũng, trên địa bàn huyện Mèo Vạc đang có rất nhiều HTX thành công nhờ chuyển đổi phương thức sản xuất theo hướng hàng hóa, trở thành điểm tựa xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho thành viên.
Như HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tả Lủng hoạt động đa ngành, từ sản xuất nông sản, chăn nuôi đến kinh doanh vật tư nông nghiệp. HTX này đã tạo việc làm ổn định cho hàng chục lao động với mức thu nhập tốt.
Đánh thức tiềm năng sẵn có
Nhắc đến thành công của các HTX ở Mèo Vạc không thể không kể đến HTX Dịch vụ Nông nghiệp và Du lịch Tu Sản đã tận dụng tiềm năng du lịch lòng hồ Thủy điện Nho Quế 1 để phát triển dịch vụ thuyền du lịch. Mỗi ngày, HTX đón hàng nghìn lượt khách, mang lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng, đồng thời tạo ra hàng trăm việc làm cho lao động địa phương.
Những thành công của khu vực kinh tế hợp tác, HTX đang là điểm nhấn trong quá trình xóa đói giảm nghèo ở Mèo Vạc. Để có được kết quả hiện tại, không thể không kể đến những chính sách hỗ trợ, đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Hà Giang.
Một trong những hoạt động nổi bật là việc ký kết chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang giai đoạn 2024–2030. Chương trình này tập trung vào việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân và phụ nữ tham gia hợp tác, liên kết sản xuất kinh doanh, cũng như hỗ trợ nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và HTX.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam đã hỗ trợ các HTX tại huyện Mèo Vạc trong việc ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Cụ thể, các HTX đã được hướng dẫn tham gia vào Cổng thông tin kết nối cung – cầu do Liên minh HTX Việt Nam xây dựng, giúp quảng bá sản phẩm và tiếp cận thị trường hiệu quả hơn.
Bên cạnh đó, một số HTX tại Mèo Vạc đã nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh trong việc cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu. Ví dụ, HTX Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng được hỗ trợ triển khai chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi ong mật, đồng thời hỗ trợ các thành viên áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất nhằm tăng giá trị sản phẩm.
Có thể nói, nhờ chuyển đổi sản xuất theo hướng hàng hóa, nhiều hộ dân tại Mèo Vạc đã có thu nhập ổn định hơn. Không chỉ giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, quá trình này còn thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói giảm nghèo tại địa phương.
Trong thời gian tới, huyện Mèo Vạc sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc liên kết sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến. Đồng thời, các HTX cần nâng cao năng lực quản lý, xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh tiêu thụ để đảm bảo đầu ra bền vững cho sản phẩm.
Sự chuyển đổi này không chỉ giúp nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện Mèo Vạc, đưa địa phương ngày càng phát triển bền vững hơn.
Mỹ Chí