HTX Phượng Hoàng (huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn) được thành lập tháng 7/2016 theo Luật HTX 2012 với ngành nghề kinh doanh chính là tập trung phát triển mô hình cây ăn quả.
Liên kết bền vững
Ông Dương Ngọc Đại - Giám đốc HTX, cho biết HTX thành lập trên cơ sở các thành viên đều là các hộ dân đã có mô hình cây ăn quả riêng lẻ từ trước. Tuy nhiên, do sản xuất nông hộ manh mún, nhỏ lẻ, việc liên kết sản xuất còn yếu, chưa tuân thủ quy trình sản xuất… tình trạng được mùa, mất giá diễn ra thường xuyên nên phải thành lập HTX để hạn chế những điểm yếu trên, tăng sức cạnh trạnh trên thị trường.
Nhận thấy được những hạn chế như vậy, ngay khi thành lập, HTX đã đề ra phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, trong đó tập trung giải quyết một số khó khăn vướng mắc chủ yếu của kinh tế hộ đặt ra như đứng ra thay mặt ký kết các hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp, tìm kiếm cơ hội để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài…
Bên cạnh việc tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm, HTX đã chủ động đứng ra phối hợp tổ chức tuyên truyền, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ thành viên, trong đó tập trung đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất bình thường như trước sang sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đến nay, sản phẩm bưởi của HTX đã được công nhận là bưởi VietGAP và hiện đang xúc tiến tìm thị trường, doanh nghiệp đối tác để liên kết tiêu thụ hơn 200 tấn bưởi hàng năm.
HTX cũng thường xuyên tổ chức cho các thành viên tham quan mô hình hay, cách làm mới hiệu quả ở cả trong và ngoài tỉnh; tập trung xây dựng bao bì, nhãn mác, tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm cây ăn quả của HTX.
Hiện, các sản phẩm khác của HTX như Na Chi Lăng, Hồng không hạt Bảo Lâm, Hồng Vành khuyên Văn Lãng, Quế Tràng Định, Hồi Xứ Lạng... cũng đang được HTX xây dựng trang thông tin riêng để quảng bá, xúc tiến thương mại cho từng sản phẩm.
Nhờ đó, đến nay HTX đã thu hút 16 thành viên, với tổng thu nhập của HTX trung bình đạt gần 4 tỷ đồng, tạo thu nhập cho lao động thời vụ ở HTX mức lương 4,5 triệu đồng/ người/tháng. Thu nhập bình quân đầu người trong HTX năm 2018 đạt 39,5 triệu/người/năm.
![]() |
Thành viên HTX kiểm tra lứa bưởi VietGAP sắp cho thu hoạch |
Mở rộng vùng trồng
Có được thành quả bước đầu trên, trong quá trình trồng cây, các hộ nông dân đã tích cực ứng dụng các tiến bộ khoa học như kỹ thuật cắt tỉa, tạo tán cây, thụ phấn cho cây theo phương pháp mới.
HTX cũng chú trọng tuyển chọn cây giống đầu dòng để tạo bộ giống mới tốt hơn, cung cấp cho các thành viên HTX các loại phân bón có chất lượng để từng bước nâng cao năng suất, nâng cao giá trị cho sản phẩm.
Năm 2017, HTX đã thực hiện hoàn chỉnh quy trình sản xuất an toàn VietGAP trên 10 ha cây bưởi, thiết kế bao bì nhãn mác đẹp được thị trường ở trong và ngoài tỉnh đón nhận.
Tận dụng thắng lợi trên, trong năm 2018, HTX huy động vốn góp của các thành viên thu mua 30 ha đất rừng sản xuất để chuyển dần sang trồng cây ăn quả, cây dược liệu cho giá trị kinh tế cao và sưu tầm bảo tồn một số cây dược liệu quý tại địa phương có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Đến nay, HTX Phượng Hoàng đang quản lý 45 ha đất sản xuất nông lâm nghiệp, đã có 15 ha cây ăn quả đang cho thu hoạch đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ngoài ra, HTX đã trồng mới 10 ha cây ăn quả, đã ký kết với 1 công ty, 1 HTX để tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời với việc mở rộng sản xuất, HTX cũng đã cử các lượt cán bộ đi tập huấn các lớp nghiệp vụ như bồi dưỡng kiến thức quản lý kinh tế, bồi dưỡng nâng cao kiến thức sản xuất, kinh doanh cho các thành viên HTX.
HTX cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ HTX có trình độ cao, từ bậc cao đẳng, đại học trở lên, tuyển dụng các sinh viên có trình độ đại học về làm việc cho HTX.
Nhờ các chính sách tuyển dụng tốt, có hiệu quả, hầu hết đội ngũ cán bộ của HTX đều tự nguyện làm việc 3 năm đầu không nhận lương để giúp HTX phát triển.
Trong quá trình hình thành và phát triển, HTX luôn xác định, chỉ có hợp tác, liên kết sản xuất an toàn, áp dụng nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học vào làm việc và quản lý HTX; bồi dưỡng, đào tạo kiến thức cho đội ngũ thành viên luôn năng động, sáng tạo, đổi mới trong sản xuất kinh doanh thì ngành nông nghiệp mới phát triển bền vững được, nếu thụ động, trông chờ ỷ lại tất yếu sẽ bị tụt hậu.
Hồng Nhung