Hương Nhượng là xã có địa hình đồi núi, thuận lợi cho người dân phát triển chăn nuôi gà thả tự nhiên. Trước đây, các hộ chủ yếu chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát theo đúng kiểu "thân ai nấy lo, mạnh ai nấy làm", nên tiêu thụ bấp bênh, tư thương ép giá. Mặt khác, khâu kiểm soát giống, thức ăn do không có kỹ thuật nên xảy ra dịch bệnh, dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Thành công từ nhu cầu thực tế
Trước khó khăn đó, các hộ chăn nuôi trong xóm đã thành lập "nhóm sở thích" gồm 12 hội viên nông dân. Các hộ học hỏi, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nên chăn nuôi có bước phát triển khá.
Tháng 8/2016, nhóm tham gia "Hội thi sáng kiến giảm nghèo bền vững" tại Hà Nội và đạt giải Ba. Kết quả này đã tạo động lực để nhóm mở rộng chăn nuôi và phát triển lên HTX vào ngày 22/11/2016, với vốn đăng ký ban đầu là 500 triệu đồng.
Ban đầu, HTX có 7 hộ nuôi gà đồi, với khoảng 7.000 con. Hộ nuôi nhiều 3.000 - 4.000 con/lứa, hộ nuôi ít cũng 200 - 500 con/ lứa. Những thành viên khác nuôi trâu, trồng rau an toàn, cây ăn quả có múi.
HTX chủ yếu nuôi giống gà ri bản địa, gà mía Sơn Tây. Gà được thả ở vườn đồi nên khỏe mạnh, thịt thơm, săn chắc, giá thành cao hơn, thị trường tiêu thụ rộng hơn so với gà nuôi nhốt.
Từ khi thành lập, thành viên HTX đã được tham gia nhiều lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc gà do tỉnh, huyện tổ chức. Tại đây, các thành viên của HTX đã nắm bắt được nhiều kiến thức, kỹ năng trong chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh trên đàn gà và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi.
Năm 2017, HTX được chọn tham gia Dự án Liên kết sản xuất, tiêu thụ gà theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình xây dựng Nông thôn mới. Dự án đã hỗ trợ HTX 8.000 con gà giống, hỗ trợ tập huấn chuyển giao KH-KT cho các hộ nuôi gà thương phẩm; hỗ trợ mua thuốc, vắc xin, bóng úm, khay ăn, bình uống nước và xây dựng điểm giết mổ, bảo quản gà, tổng kinh phí hỗ trợ 300 triệu đồng.
Chị Quách Thị Hòa - Giám đốc HTX, cho biết HTX ra đời đã tạo được mối liên kết trong sản xuất giữa các hộ và giải quyết được các vấn đề về giống, thức ăn cũng như đầu ra cho sản phẩm.
"Kể từ khi tham gia HTX, các hội viên không những có điều kiện chia sẻ kinh nghiệm trong chăn nuôi mà còn mua được con giống tốt, thức ăn với giá thành thấp và có những đơn vị sẵn sàng cung ứng thức ăn cho HTX và chấp nhận thanh toán sau khi các hội viên bán sản phẩm", Giám đốc Quách Thị Hòa cho biết.
HTX có 20 thành viên, là những hộ dân đang chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn xã. Dù mới thành lập, nhưng với chiến lược phát triển hiệu quả, năm 2017, doanh thu của HTX đạt 2,9 tỷ đồng, lợi nhuận 600 triệu đồng. Hiện tại, HTX duy trì hai mảng sản xuất chính là chăn nuôi và trồng trọt.
![]() |
Giám đốc Quách Thị Hòa chăm sóc đàn gà của HTX |
Hiệu quả kinh tế mang lại rõ rệt
Có thể khẳng định rằng mô hình nuôi gà đồi của HTX Hương Nhượng đã và đang phát huy hiệu quả trong phát triển kinh tế của các hộ chăn nuôi, sản phẩm của HTX được người tiêu dùng ưa chuộng và được tiêu thụ với số lượng ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, để nâng cao thu nhập cho hội viên cũng như bảo đảm phát triển bền vững, HTX luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra vệ sinh chuồng trại, tuyên truyền, hướng dẫn hội viên giữ vệ sinh sạch sẽ chuồng nuôi, khu vực xung quanh, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng theo định kỳ tại khu vực nuôi nhằm đạt hiệu quả cao nhất và đưa ra được sản phẩm gà đồi an toàn tới tay người tiêu dùng.
Tuy mới thành lập, nhưng HTX gà đồi Hương Nhượng đang thể hiện tốt vai trò "bà đỡ" cho các thành viên.
Chị Quách Thị Hải - thành viên HTX, chia sẻ: "Trước đây, tôi nuôi khoảng 200 con gà thịt, nhưng thị trường, giá cả bấp bênh. Từ khi vào HTX, những vấn đề thị trường, giá cả không còn phải lo. Trong sản xuất, các thành viên luôn tương trợ, đóng góp vốn, góp sức để giúp nhau. Khi có khó khăn, các thành viên cùng họp lại bàn cách giải quyết. Năm 2017, tôi được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội đầu tư mua 500 con gà giống và lưới để nuôi thả gà với diện tích 2.700 m2, lứa gà xuất bán cho thu lãi 23 triệu đồng".
Về hướng hoạt động trong tương lai, Giám đốc Quách Thị Hòa cho hay: "Để đáp ứng được các hợp đồng lớn, trước hết phải mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, do nguồn vốn của HTX có hạn nên HTX mới chủ trương lấy ngắn nuôi dài. Trước mắt, HTX sẽ phân công nhiệm vụ, công việc khoa học với những bộ phận chuyên trách để tạo vòng tròn khép kín, bảo đảm hỗ trợ nhau kịp thời, hạn chế chi phí trong sản xuất, nâng cao lợi nhuận cho HTX và các thành viên".
Hồng Nhung