Hà Quảng từ lâu được biết đến với những sản vật độc đáo như gạo nếp cái hoa vàng, miến dong, rau bò khai, và các loại cây ăn quả đặc sản. Tuy nhiên, tiềm năng này trước đây chưa được khai thác một cách bài bản, khiến đời sống của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, còn gặp nhiều khó khăn.
HTX – "bệ phóng" cho sản phẩm đặc trưng
Trong bối cảnh đó, sự ra đời và phát triển của các HTX đã mở ra một hướng đi mới, mang lại luồng gió tươi mới cho nền kinh tế địa phương và góp phần quan trọng vào công cuộc giảm nghèo bền vững. HTX không chỉ là cầu nối giữa người nông dân và thị trường, mà còn là nơi tập hợp sức mạnh cộng đồng, nâng cao giá trị sản phẩm và tạo ra những cơ hội phát triển toàn diện.
Điển hình như HTX Giang Lam đã tiên phong liên kết người dân phát triển giống lạc đỏ. Đây là giống lạc địa phương có từ lâu đời với nhiều đặc tính tốt như thời gian sinh trưởng trung bình, hạt màu đỏ sẫm, tỷ lệ nhân/quả cao, chắc mẩy, màu sắc vỏ lạc sáng đẹp, chất lượng hạt thơm ngon, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.
![]() |
Liên kết trồng lạc đỏ kết hợp với sơ chế giúp nâng cao thu nhập cho người dân. |
Ở Cao Bằng, lạc đỏ bản địa còn được chế biến làm nhân bánh khảo, bánh gai, bánh cuốn, làm khẩu sli (một loại bánh đặc sản truyền thống của người Cao Bằng). Chính vì vậy, HTX đã thực hiện thu mua, ứng dụng máy móc để sơ chế, đóng gói lạc đỏ với bao bì mẫu mã, khối lượng phù hợp để cung ứng ra thị trường.
Nhờ quy trình canh tác bài bản, kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt và xây dựng thương hiệu, sản phẩm lạc đỏ của HTX không chỉ được thị trường trong tỉnh ưa chuộng mà còn vươn ra các tỉnh thành khác, thậm chí có tiềm năng xuất khẩu. Đây cũng là một trong những sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương.
Trước đây, nhiều hộ dân ở Hà Quảng chỉ trồng lạc theo kinh nghiệm truyền thống, năng suất thấp, giá cả bấp bênh. Từ khi tham gia HTX, người dân được tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ giống, phân bón, và đặc biệt là có đầu ra ổn định. Thu nhập của nhiều gia đình vì lẽ đó đã tăng lên đáng kể, cuộc sống cũng khấm khá hơn nhiều.
Không chỉ có lạc đỏ, các sản phẩm đặc trưng khác của Hà Quảng như miến dong, rau bò khai, ốc bươu, gừng, nghệ, ngô ngọt, đỗ tương, rau, lợn đen… cũng đang được các HTX khác chú trọng phát triển theo hướng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã và xây dựng nhãn hiệu.
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chế biến và đóng gói đã giúp các sản phẩm này tăng thêm giá trị gia tăng, mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân. Tiêu biểu như sản phẩm khẩu sli Nà Giàng của HTX Khẩu Sli thương mại dịch vụ Nà Giàng, lạp sườn lợn đen của HTX Đường Long…
Sức mạnh cộng đồng và sự hỗ trợ từ chính quyền
Thành công của mô hình HTX trong phát triển sản phẩm đặc trưng đi liền với hỗ trợ giảm nghèo ở Hà Quảng không chỉ đến từ sự nỗ lực của các thành viên mà còn nhờ vào sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý.
Những chính sách khuyến khích thành lập và phát triển HTX; hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, xúc tiến thương mại của Liên minh HTX Việt Nam được triển khai thông qua Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX vươn lên.
Ngay như việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ và thành viên HTX, hỗ trợ các HTX tham gia các chương trình xúc tiến thương mại ở miền Bắc hay toàn quốc cũng tạo điều kiện cho HTX ở Cao Bằng nói chung, huyện Hà Quảng nói riêng nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, quảng bá sản phẩm.
Thông qua Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ một số HTX trong huyện tiếp cận nguồn vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX đồng thời rà soát, nắm bắt tình hình hoạt động của các HTX để có những hỗ trợ kịp thời.
Cụ thể, năm 2024, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã hỗ trợ 14 lượt HTX tham gia các hội chợ, hội nghị quảng bá giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.
Dự án hỗ trợ kinh doanh nông hộ tỉnh Cao Bằng (CSSP) đã hỗ trợ thành lập và củng cố nhiều nhóm sở thích (CIG) và tổ hợp tác, nhiều trong số đó đã phát triển thành HTX. Liên minh HTX tỉnh cũng tích cực tuyên truyền và hướng dẫn các HTX thực hiện theo Luật HTX năm 2023 để nâng cao chất lượng hoạt động.
Đặc biệt, huyện ủy, UBND huyện luôn xác định phát triển kinh tế tập thể, HTX gắn với sản phẩm đặc trưng là một trong những giải pháp quan trọng để giảm nghèo bền vững. Chính vì vậy, trong suốt thời gian qua, lãnh đạo huyện đã phối kết hợp với Liên minh HTX tỉnh triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để các HTX ngày càng lớn mạnh, tạo ra nhiều việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.
Thúc đẩy kinh tế
Theo thống kê, đến hết năm 2024, huyện Hà Quảng có tổng cộng 15 sản phẩm của 15 chủ thể được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và huyện. Tiêu biểu như rượu ngô Đinh Đông, khẩu sli Nà Giàng, rượu ngô Cải Vân, Mế Farmstay Pác Bó, lạc đỏ Lục Khu, lạp sườn lợn đen, mác mật Ngọc Động, trứng gà Bảo Hưng, cá tầm Pác Bó.
Ngoài ra, thời điểm đánh giá OCOP vào thời điểm gần đây, huyện Hà Quảng cũng đang xem xét đánh giá thêm 6 sản phẩm khác, trong đó có 5 sản phẩm đánh giá lần đầu và 1 sản phẩm đánh giá lại. Kết quả đánh giá này có thể làm tăng tổng số lượng sản phẩm OCOP của huyện trong tương lai.
![]() |
Gừng trâu cũng là một nông sản đặc trưng của huyện. |
Từ đây có thể thấy, việc phát triển các sản phẩm đặc trưng có vai trò quan trọng trong hỗ trợ người dân giảm nghèo. Ngay như các tổ hợp tác, nhóm liên kết trồng gừng ở các xã như Cải Viên, Lũng Nặm, Thượng Thôn, Quý Quân, Ngọc Động... đã chứng minh điều này.
Đến nay, diện tích trồng gừng trâu đạt gần 300 ha. Với giá trung bình dao động từ 12 - 18 nghìn đồng/kg, người dân có thể thu về 300 - 350 triệu đồng/ha và hiện đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Huyện phấn đấu đến năm 2030 tăng lên 600 ha, tiếp tục hỗ trợ người dân phát triển từ các tổ hợp tác, nhóm liên kết thành các HTX để nâng cao hiệu quả sản xuất và liên kết với doanh nghiệp.
Rõ ràng, mô hình giảm nghèo thông qua phát triển các sản phẩm đặc trưng với vai trò trung tâm của các tổ hợp tác, HTX ở Hà Quảng đang cho thấy những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên, để đạt được sự phát triển bền vững và nhân rộng mô hình, vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua. Đó là việc nâng cao năng lực quản lý cho các HTX, đảm bảo chất lượng sản phẩm ổn định, xây dựng thương hiệu mạnh và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Với sự quyết tâm của chính quyền, sự năng động của các HTX và sự đồng lòng của người dân, Hà Quảng đang từng bước khẳng định vị thế của mình trên bản đồ nông sản, đặc sản Việt Nam, đồng thời mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho cộng đồng, góp phần xóa đói giảm nghèo một cách hiệu quả và bền vững.
Tùng Lâm