Kể từ đầu năm đến nay, Bến Tre đã trải qua 2 đợt xâm nhập mặn sâu, một đợt vào cuối tháng 2 sang đầu tháng 3 và một đợt vào cuối tháng 3. Ảnh hưởng là không nhỏ, tuy nhiên, với công tác dự báo kịp thời, cùng sự chủ động trong sản xuất, dự trữ nguồn nước tưới tiêu, các HTX và nông dân tại các địa phương vẫn duy trì hoạt động ổn định.
Thúc đẩy sản xuất hữu cơ
Cây dừa từng bước khẳng định dễ thích ứng với biến đổi khí hậu. Hiện nay, dừa nguyên liệu đang được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nên người dân mạnh dạn hơn trong chuyển đổi từ những cây ăn trái, cây lúa kém hiệu quả sang trồng dừa.
Hiện, toàn tỉnh có tổng diện tích khoảng 79.744ha. Sản lượng thu hoạch trong quý I/2025 đạt khoảng 181,4 triệu trái, tăng 1,4% so với cùng kỳ năm 2024, đạt 25,52% kế hoạch năm. Giá dừa khô nguyên liệu thời gian qua dao động ở mức 130 - 150 ngàn đồng/12 trái.
![]() |
HTX, nông dân trồng dừa ở Bến Tre đang đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ, an toàn sinh thái. |
HTX Nông nghiệp Định Thủy (xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày Nam) là một điển hình tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Bến Tre trong phát triển mô hình trồng dừa theo hướng hữu cơ, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên, nông dân liên kết.
Đặc biệt, sự hợp tác chặt chẽ giữa HTX và doanh nghiệp, cùng loạt chính sách hỗ trợ, đồng hành thiết thực từ chính quyền địa phương, đã giúp thành viên HTX vượt qua thách thức, đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng, từ đó làm giàu bền vững.
Cụ thể, trong những năm qua, HTX Nông nghiệp Định Thủy tập trung vào sản xuất dừa hữu cơ, với tổng diện tích vườn dừa hữu cơ đạt 244,6 ha. HTX đã ký kết hợp đồng với doanh nghiệp chế biến để tiêu thụ sản phẩm cơm dừa trắng với giá 9.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, các sản phẩm phụ như nước dừa, gáo, vỏ và xơ dừa cũng được HTX kết nối với doanh nghiệp đối tác, mở hướng bao tiêu, từ đó tăng nguồn thu đáng kể cho thành viên.
HTX Định Thủy hiện có 151 thành viên, với tổng nguồn vốn hoạt động sản xuất, kinh doanh trên 2,5 tỷ đồng. HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 105 lao động địa phương.
Nhờ việc ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp, các hộ gia đình với diện tích sản xuất bình quân trên 1ha đều có đầu ra ổn định, với giá thu mua cao hơn thị trường từ 5.000 đến 12.000 đồng/12 quả, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi vụ.
Hình thành các chuỗi giá trị
Tương tự, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh (xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú) những năm qua cũng đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho thành viên.
Kể từ khi thành lập vào năm 2017, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh tập trung vào việc thu mua, bao tiêu nông sản của nông dân, đặc biệt là sản phẩm từ cây dừa. HTX đã ký hợp đồng liên kết đầu vào với các công ty phân bón hữu cơ và thuốc bảo vệ thực vật sinh học, giúp cung cấp vật tư đầu vào với giá gốc, hỗ trợ nông dân an tâm sản xuất ngay cả khi giá dừa trên thị trường xuống thấp.
Đặc biệt HTX đã tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, canh tác dừa hữu cơ. Hiện tại, có 99 thành viên tham gia canh tác dừa hữu cơ trên diện tích 150 ha, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu thị trường.
Nhờ những nỗ lực trong việc xây dựng chuỗi giá trị sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tạo việc làm cho người dân địa phương, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh đã góp phần quan trọng vào công tác giảm nghèo và phát triển kinh tế tại xã Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú.
![]() |
Sản xuất hữu cơ, an toàn sinh thái giúp trái dừa Bến Tre được mùa, được giá hơn. |
Được biết, HTX Nông nghiệp Thới Thạnh đang giải quyết việc làm cho 30 lao động địa phương, thông qua công việc gia công dừa cho các công ty chế biến. Công việc này bao gồm việc cạy, gọt vỏ lụa để giao phần cơm dừa cho công ty ép dầu, giúp tạo thu nhập ổn định cho người lao động.
Ông Phạm Văn Hà là thành viên của HTX Nông nghiệp Thới Thạnh, trong hơn 5 năm qua ông canh tác 1,7ha dừa đạt chuẩn hữu cơ với hiệu quả khá cao. Theo ông Hà, đầu vào, đầu ra sản phẩm quả dừa rất ổn định do được HTX bao tiêu.
“Đối với những hộ dân có nhân công được cán bộ chuyên môn tập huấn kỹ thuật ủ phân hữu cơ tại nhà để sử dụng nên giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận. Hàng tháng, đội nhân công của HTX đến tận vườn thu hoạch dừa hữu cơ cung ứng cho doanh nghiệp”, ông Hà chia sẻ.
Điểm tựa vững vàng từ HTX
Có thể thấy việc liên kết thành lập các HTX, tổ hợp tác để phát triển sản xuất hữu cơ theo hướng hàng hóa, đang giúp nông dân Bến Tre vững vàng vượt qua bão hạn mặn, xây dựng các mô hình kinh hiệu quả, từ đó thoát nghèo, nâng cao thu nhập, vươn lên làm giàu.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bến Tre đang có 88 tổ hợp tác, 78 HTX, 4 tổ liên kết tham gia vào chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Qua đó, hình thành các vùng sản xuất hữu cơ tập trung, với các loại sản phẩm chủ lực như: dừa, bưởi da xanh, rau màu, cây lúa, con tôm, bò, heo, cây giống, hoa kiểng, xoài, nhãn, chôm chôm…
Tập trung nhất là chuỗi dừa, với 32 THT, 34 HTX tham gia vùng sản xuất tập trung gắn với chuỗi giá trị, với hơn 20,7 ngàn ha, trong đó có hơn 16,5 ngàn ha đạt chứng nhận hữu cơ. Diện tích tập trung phân bố đều trên địa bàn các huyện như Bình Đại, Giồng Trôm, Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Thạnh Phú và Ba Tri.
Kết quả hiện tại, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của ban ngành tỉnh, địa phương, không thể không kể đến sự đồng hành của Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bến Tre.
Nổi bật là lễ ký kết chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX tỉnh Bến Tre và Hội Nông dân tỉnh vào đầu tháng 9/2024, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX trong nông nghiệp giai đoạn 2024-2030.
Chương trình này tập trung vào việc tuyên truyền, vận động hội viên nông dân tham gia các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp, đồng thời nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác, HTX trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Cùng với đó, vào cuối năm 2024, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bến Tre đã ký kết chương trình phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Bến Tre, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, HTX và hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030.
Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số ngày càng sâu rộng, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Bến Tre cũng đặc biệt chú trọng đến việc chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, HTX. Trong 3 năm trở lại đây, đã có hàng chục HTX được lựa chọn để tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, tăng khả năng cạnh tranh.
Có thể nói, những chương trình và chính sách hỗ trợ liên tục được thông qua thể hiện sự quan tâm và nỗ lực của Liên minh HTX Việt Nam, Liên minh HTX tỉnh, cùng các ban ngành, địa phương tỉnh Bến Tre trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Minh Khuê