Những năm gần đây, để thích ứng hạn mặn, phong trào trồng cây thanh long ở huyện Gò Công Tây phát triển mạnh. Nhiều diện tích đất lúa kém hiệu quả đã được người dân chuyển sang trồng cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Hiệu quả kinh tế gia tăng
Chị Trần Thị Lệ Hằng (ấp Lợi An, xã Đồng Thạnh) cho biết cách đây hơn 6 năm, gần 3.000m2 đất trồng lúa hai vụ của gia đình chị liên tục cho thu nhập bấp bênh, có lúc lỗ vốn.
![]() |
Quá trình chuyển đổi cây trồng ở Gò Công Tây đang cho thấy hiệu quả cao (Ảnh TL) |
"Cái khó ló cái khôn", để nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất, chị Hằng quyết định chuyển sang trồng cây thanh long. Được chăm sóc đầy đủ, đúng cách, vườn thanh long nhanh chóng phát triển tốt, cho năng suất cao, thanh long bán được giá nên có những mùa gia đình chị “thắng đậm”.
“Người dân ở đây giờ chuyển sang trồng thanh long rất nhiều. Nhờ cây thanh long, cuộc sống của gia đình được thoải mái, có của ăn của để trong nhà. Tính ra mỗi năm, tôi thu nhập vài trăm triệu đồng nhờ vườn thanh long”, chị Hằng phấn khởi nói.
Ở xã Thạnh Trị, HTX rau an toàn Thạnh Hưng đang có những bước phát triển mạnh mẽ với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. HTX đang có những sáng kiến mang lại giá trị cao về kinh tế, nâng cao thu nhập, góp phần xóa đói, giảm nghèo cho thành viên, nông dân liên kết.
Suốt nhiều năm qua, HTX đã cùng nông dân địa phương sản xuất, cung cấp các loại rau theo tiêu chuẩn VietGAP cho thị trường. Từ 22 thành viên ban đầu, đến nay HTX phát triển lên 51 thành viên. Tham gia HTX, mỗi thành viên được cung ứng hạt giống chất lượng, bảo đảm giá cả và bao tiêu sản phẩm.
Được HTX cung cấp giống trả chậm (thanh toán sau khi thu hoạch) và bao tiêu toàn bộ sản lượng rau thu hoạch với giá theo hợp đồng đã ký kết trước đó, các hộ trồng rau rất an tâm sản xuất. Thu nhập bình quân của mỗi thành viên trong HTX từ 100 đến 300 triệu đồng/năm.
Ngoài ra, mỗi ngày HTX có hơn 20 công nhân làm việc tại xưởng, tham gia sơ chế, đóng gói,…rau, củ, quả. Bình quân, mỗi công nhân thu nhập từ 3 – 5 triệu đồng/tháng. HTX đang trở thành điểm tựa phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu của hàng chục hộ dân.
Đẩy mạnh chuyển đổi theo hướng bền vững
Ông Lê Văn Nê - Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây, cho biết toàn huyện có khoảng 700 ha thanh long và đang tiếp tục tăng lên. Người dân tại các địa phương cũng đang tích cực chuyển đổi từ đất lúa sang trồng thanh long.
![]() |
Quá trình chuyển đổi sẽ được huyện đẩy mạnh theo hướng bền vững (Ảnh TL) |
Ngoài cây thanh long, cây bưởi da xanh cũng đang phát triển mạnh ở địa phương, với khoảng 300 ha. Các mô hình trồng rau màu cũng cho thấy hiệu quả khả quan.
“Chuyển đổi cơ cấu cây trồng về giá trị trên một diện tích cho lợi nhuận cao hơn so với trồng lúa từ khoảng 2 - 16 lần. Những thành công trong quá trình chuyển đổi đang giúp công tác xóa đói, giảm nghèo tại các địa phương trên địa bàn huyện được đẩy nhanh”, ông Lê Văn Nê cho biết thêm.
Ở Gò Công Tây, người dân cũng nhắc tới HTX Nông nghiệp Tổng hợp Hòa Thạnh (ấp Hòa Thạnh, xã Bình Tân) hiện có hơn 24 hộ nông dân tham gia, với hoạt động chính là trồng và cung ứng các loại rau.
Được sự hỗ trợ từ địa phương và nhận thấy nhu cầu rau sạch trên thị trường đang ngày càng tăng cao, HTX đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà lưới để trồng rau thay cho diện tích lúa kém hiệu quả trước đây.
Rau trồng trong nhà lưới cho năng suất cao, mẫu mã đẹp, đảm bảo an toàn nên bán được giá.Thu nhập bình quân của thành viên HTX đạt bình quân 55 – 70 triệu đồng/hộ/năm.
Với những thành công chuyển đổi cây trồng, phát huy thế mạnh như một số HTX kể trên, huyện Gò Công Tây dự kiến tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững. Theo đó, huyện chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy vai trò của các HTX, tổ hợp tác, hướng tới hình thành các chuỗi liên kết, nâng cao giá trị canh tác cho nông dân.
Nhật Minh