Theo thống kê, đến hết quý II/2020, toàn tỉnh Bến Tre có 1.384 tổ hợp tác (tăng 984 tổ hợp tác so với năm 2011), trong đó 998 tổ hợp tác hoạt động theo Nghị định số 151, với 25.881 thành viên, doanh thu bình quân khoảng 474 triệu đồng, lợi nhuận bình quân 70 triệu đồng/tổ hợp tác.
HTX góp phần giảm nghèo
Toàn tỉnh hiện có 159 HTX (tăng 56 HTX so với năm 2011), với khoảng 42.192 thành viên, tổng số lao động thường xuyên trong HTX là 3.281 người.
![]() |
Các HTX đang đồng hành cùng nông dân Bến Tre trong công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng kinh tế (Ảnh TL) |
Doanh thu bình quân của HTX khoảng 2,1 tỷ đồng/HTX, tăng 0,51 tỷ đồng so với năm 2011, thu nhập bình quân của thành viên, người lao động 60 triệu đồng/người/năm, tăng 48 triệu đồng so với năm 2011.
Nhờ hoạt động hiệu quả, các HTX đang có đóng góp quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.
Điển hình, đi lên từ tổ hợp tác, ngay từ đầu, HTX bưởi da xanh Giồng Trôm (xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm) đã có một nền tảng vững vàng, mang lại những lợi ích lớn về kinh tế cho thành viên.
Giám đốc HTX, ông Nguyễn Văn Bảy cho biết đến nay, HTX đã phát triển lên 59 thành viên, với vốn điều lệ đạt 500 triệu đồng. Doanh thu hàng năm bình quân 5 - 8 tỷ đồng, riêng năm 2019 vượt mốc 10 tỷ đồng. Đời sống thành viên HTX liên tục được nâng cao, 100% thành viên HTX thuộc diện khá giả, có của ăn của để.
Còn ở huyện Thạnh Phú, HTX dịch vụ - sản xuất nông nghiệp Thạnh Phong đang là điển hình trong sản xuất xoài VietGAP, cho hiệu quả kinh tế cao. HTX được thành lập từ năm 2016 với 149 thành viên, diện tích trồng xoài tứ quý hơn 30 ha.
Nhờ sản xuất khoa học, 1 ha xoài của HTX Thạnh Phong hiện cho lợi nhuận cao hơn 18 – 20 triệu đồng so với các mô hình áp dụng phương thức canh tác truyền thống.
Cũng có thể kể đến HTX nông nghiệp Mỹ Chánh (xã Mỹ Chánh, huyện Ba Tri) đang thu về thành công lớn với mô hình nuôi bò theo hướng trang trại.
Đến nay, sau gần 3 năm đi vào hoạt động, số thành viên của HTX đã tăng lên 200 người, với khoảng 2.000 bò sinh sản, vốn điều lệ 10 tỷ đồng. Nhờ sản xuất hiệu quả, thu nhập trung bình của thành viên HTX đạt 80 - 150 triệu đồng/năm.
"Trợ lực" cho kinh tế hợp tác
Ông Trà Tấn Thanh - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Mỹ Chánh, cho biết phát huy vị thế của một trong những đơn vị chăn nuôi bò lớn nhất tại địa phương, HTX đang là cầu nối liên kết tiêu thụ bò sinh sản, bò thịt với 3 xã trong huyện là An Hiệp, An Đức và Bảo Thạnh.
Hiện, trung bình mỗi năm, HTX Mỹ Chánh cung ứng cho thị trường các tỉnh miền Đông, miền Trung và Tây Nguyên gần 1.800 con bò giống và 1.200 con bò thịt.
![]() |
Tỉnh Bến Tre sẽ tiếp tục có nhiều chính sách hỗ trợ để nâng cao vai trò của các HTX (Ảnh TL) |
Để có được thành công hiện tại, những năm qua, tỉnh Bến Tre đã dành rất nhiều nguồn lực để hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác phát triển.
Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2012, các HTX chỉ được hỗ trợ tư vấn đào tạo, hỗ trợ thành lập mới. Giai đoạn 2013 - 2020, sau khi có Luật HTX năm 2012, tỉnh đã ban hành một số chính sách hỗ trợ và phát triển kinh tế hợp tác như tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cập nhật kiến thức cho hơn 6.770 lượt cán bộ quản lý HTX, với tổng kinh phí hơn 5,368 tỷ đồng; chính sách hỗ trợ thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở HTX; chính sách ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ tỉnh, chủ yếu là kiến thức về năng lực quản lý HTX, quản trị tài chính, thuế, nhân sự, xúc tiến thương mại...
Bên cạnh đó, tỉnh đã hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhà xưởng cho 6 HTX của các huyện Chợ Lách, Thạnh Phú, Giồng Trôm và Ba Tri, với tổng kinh phí 3,86 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước.
Trong mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Bến Tre tập trung một số chỉ tiêu cụ thể là tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển mới khoảng 200 tổ hợp tác, 50 HTX trên các lĩnh vực và 4 liên hiệp HTX nông nghiệp. Phấn đấu tỷ lệ HTX đạt loại khá, tốt đạt trên 90%, trở thành điểm tựa xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo bền vững tại các địa phương.
Hưng Nguyên