Đặc biệt, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, hàng loạt mô hình HTX, tổ hợp tác hoạt động hiệu quả đã hình thành, trở thành nhân tố nòng cốt trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân vùng nông thôn huyện Đô Lương.
Cách làm thực tiễn
Từng được biết đến là vùng thuần nông với cơ cấu sản xuất truyền thống, dựa nhiều vào cây lúa và chăn nuôi nhỏ lẻ, Đô Lương đã đối mặt với không ít khó khăn trong việc xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững.
Tuy nhiên, trong vòng một thập kỷ trở lại đây, ngành nông nghiệp huyện Đô Lương đã có những bước chuyển mình rõ rệt, đặc biệt là từ sau khi xác định rõ định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là một trong những nhiệm vụ đột phá.
![]() |
Chuyển đổi cơ cấu cây trồng giúp người dân Đô Lương tăng hiệu quả sản xuất (Ảnh: BNA). |
Để định hướng lại ngành nông nghiệp theo hướng hàng hóa, tạo đột phá, huyện đã tập trung rà soát lại quỹ đất, khí hậu, thổ nhưỡng để quy hoạch vùng sản xuất phù hợp, đồng thời mạnh dạn đưa giống mới, kỹ thuật mới vào canh tác, mở rộng liên kết với doanh nghiệp và thúc đẩy vai trò của các HTX.
Theo thống kê, toàn huyện hiện có trên 60 HTX nông nghiệp đang hoạt động, trong đó khoảng 20 HTX có quy mô sản xuất lớn, liên kết theo chuỗi giá trị, áp dụng cơ giới hóa và chuyển đổi số trong quản lý sản xuất – tiêu thụ.
Hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác không chỉ tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động tại chỗ mà còn mở ra hướng làm ăn hiệu quả, bền vững cho hàng nghìn hộ dân địa phương.
Một trong những mô hình tiêu biểu trong phát triển sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội ở Đô Lương là HTX chăn nuôi tổng hợp Phong Thịnh (xã Đông Sơn).
Được thành lập từ năm 2018 với chỉ 7 thành viên, đến nay HTX đã có hơn 40 thành viên, phát triển trang trại chăn nuôi bò, lợn theo hướng an toàn sinh học, kết hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi tại chỗ và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi. Mỗi năm, HTX cung cấp ra thị trường hơn 300 tấn thịt các loại, tạo việc làm cho 50 lao động địa phương với thu nhập bình quân 6 – 8 triệu đồng/tháng.
Gây dựng thương hiệu
Không chỉ trong chăn nuôi, lĩnh vực trồng trọt ở Đô Lương cũng ghi nhận nhiều điểm sáng. Tại xã Lưu Sơn, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Lưu Sơn đã và đang phát triển mô hình trồng dưa lưới, rau quả trong nhà màng trên diện tích gần 3 ha.
Nhờ đầu tư bài bản, quy trình sản xuất khép kín và truy xuất nguồn gốc, sản phẩm của HTX không chỉ được tiêu thụ mạnh ở TP Vinh, Hà Nội mà còn xuất khẩu sang Lào, Thái Lan…
Bà Nguyễn Thị Hồng, thành viên HTX, chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia HTX, được tập huấn kỹ thuật, làm theo quy trình, thu nhập ổn định hơn rất nhiều. Có vụ tôi thu về gần 100 triệu đồng từ trồng dưa lưới”.
Tại xã Bài Sơn, mô hình của HTX sản xuất, kinh doanh và dịch vụ nông nghiệp Hùng Mạnh được xem là một trong những điểm sáng về sự sáng tạo trong cách làm nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn.
Tận dụng lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu phù hợp với cây ăn quả, HTX đã mạnh dạn đầu tư gần 15 ha trồng các loại cây lâu năm như cam Xã Đoài, bưởi da xanh, quýt đường, theo hướng hữu cơ và đạt tiêu chuẩn VietGAP.
![]() |
Sản xuất theo hướng hiện đại là xu hướng trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Đô Lương (Ảnh: BNA). |
Không dừng lại ở sản xuất nông nghiệp thuần túy, từ năm 2022, HTX Hùng Mạnh đã tiên phong kết hợp mô hình “vườn – trải nghiệm – tiêu thụ tại chỗ”, tạo ra một không gian nông trại mở, thu hút du khách khắp nơi đến tham quan, thu hái trái cây tận vườn và tìm hiểu quy trình sản xuất sạch.
Mỗi mùa thu hoạch, HTX đón hàng nghìn lượt khách, đặc biệt là học sinh các trường học trong huyện và các đoàn khách từ TP Vinh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa...
Ngoài ra, HTX còn đầu tư hệ thống nhà sơ chế, kho lạnh và khu trưng bày sản phẩm OCOP tại chỗ để phục vụ khách tham quan và tiêu thụ trực tiếp. Cam Xã Đoài, bưởi da xanh của HTX hiện đã có mặt tại các chuỗi cửa hàng nông sản sạch tại Nghệ An, Hà Nội, và đang đàm phán để mở rộng kênh phân phối trong miền Nam.
Nhờ đầu tư bài bản, HTX mang lại hiệu quả kinh tế cao, tạo việc làm ổn định cho hơn 30 lao động thường xuyên, phần lớn là phụ nữ và người lớn tuổi tại địa phương, với mức thu nhập bình quân từ 5 – 7 triệu đồng/tháng. Vào mùa cao điểm, HTX còn huy động thêm hàng chục lao động thời vụ phục vụ khâu chăm sóc, thu hái và đón tiếp khách du lịch.
“Trước đây tôi chỉ làm ruộng lẻ tẻ, thu nhập không đáng bao nhiêu. Từ khi vào làm cùng HTX, công việc ổn định, thu nhập khá hơn, lại được tiếp xúc với kỹ thuật mới, với khách du lịch nên mở mang thêm nhiều thứ”, chị Nguyễn Thị Mai, thành viên liên kết của HTX Hùng Mạnh chia sẻ.
Giảm nghèo bền vững
Có thể thấy, một trong những thành công nhất trong quá trình chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp ở Đô Lương là sự phát triển, hoạt động hiệu quả của các HTX, tổ hợp tác. Trong thời gian qua, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh Nghệ An đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác trên địa bàn huyện.
Cụ thể, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh HTX tỉnh đã đẩy mạnh hỗ trợ xây dựng mô hình HTX ứng dụng công nghệ cao. Như trường hợp HTX rau củ quả sạch Duy Tân tại xã Tân Sơn, là một mô hình tiêu biểu được hỗ trợ xây dựng.
HTX Duy Tân ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất rau củ quả, như trồng rau thủy canh, tưới nhỏ giọt, và sử dụng lò đốt than sinh học BIOCHAR để sản xuất phân hữu cơ. Liên minh HTX tỉnh đã phối hợp hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, cung cấp thiết bị và tổ chức quảng bá sản phẩm cho HTX.
Liên minh HTX Việt Nam cũng phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Nghệ An tổ chức các diễn đàn xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho các HTX. Các hoạt động này giúp các HTX tại Đô Lương mở rộng thị trường tiêu thụ và tăng cường liên kết sản xuất.
Ngoài ra, Liên minh HTX Việt Nam và Liên minh tỉnh Nghệ An đã tổ chức các lớp tập huấn về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong quản lý điều hành và hoạt động xúc tiến thương mại cho các HTX. Điều này nhằm nâng cao năng lực quản lý và khả năng cạnh tranh của các HTX trên địa bàn.
Sự phát triển của các HTX cùng thành công trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi không chỉ nâng cao giá trị sản xuất mà còn trực tiếp góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo ở Đô Lương.
Theo báo cáo của UBND huyện Đô Lương, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện giảm còn 1,95%, thấp hơn mức bình quân của tỉnh Nghệ An. Nhiều hộ gia đình thoát nghèo nhờ tham gia các mô hình kinh tế tập thể, được tiếp cận vốn, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ của Nhà nước như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình OCOP… cũng được địa phương lồng ghép hiệu quả với các dự án sản xuất. HTX sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Đức Tài (xã Tràng Sơn) là một điển hình khi tận dụng hỗ trợ của Chương trình OCOP để xây dựng nhà sơ chế, nâng cấp bao bì và đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao cho hai mặt hàng: gạo thơm Tràng Sơn và trà dược liệu.
Để tiếp tục phát huy kết quả đạt được, huyện Đô Lương xác định thời gian tới sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng tâm: quy hoạch lại vùng sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh; phát triển HTX nông nghiệp kiểu mới; tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, liên kết với doanh nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng đào tạo nghề, nâng cao trình độ cho lao động nông thôn; khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp; hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại cho sản phẩm chủ lực.
Minh Khuê