Có thể nói, sự lớn mạnh của kinh tế hợp tác không thể thiếu vai trò “bà đỡ” của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam. Hiện tại, vốn điều lệ của Quỹ là hơn 88,6 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, Quỹ đã cho vay 31 dự án, 11 HTX và 20 tổ hợp tác (THT) với tổng số tiền đã giải ngân 14 tỷ đồng. Dư nợ cho vay của Quỹ hiện đã lên tới hơn 63 tỷ đồng.
Hiệu quả thiết thực
Khởi nghiệp từ nuôi dế và có được những thành công bước đầu, chị Nguyễn Thị Thủy cùng chồng là anh Nguyễn Chí Công (thôn Tân Phú, xã Tam Phước, Phú Ninh) đã thành lập HTX Thanh Thủy. Hàng tháng, HTX Thanh Thủy xuất bán 500kg dế thương phẩm cho các nhà hàng và thương nhân trong ngoài tỉnh.
![]() |
Mô hình nuôi dế của HTX Thanh Thủy tạo thu nhập ổn định cho nhiều thành viên (Ảnh: TL) |
Theo chị Thủy, nuôi dế không khó nhưng để tạo dựng chỗ đứng trên thị trường thì không dễ. HTX đã chọn hướng đi là nuôi dế sạch, không dùng cám công nghiệp mà cho dế ăn bằng bã gạo, bắp rang và các loại rau tự trồng...
“Qua học hỏi, tham quan, chúng tôi xây dựng mô hình nuôi dế riêng, con giống rất chất lượng, quy trình nuôi sạch, không tác động xấu đến môi trường. Có được thành công ngày hôm nay là nhờ vào nguồn vốn vay hơn 200 triệu đồng của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam”, chị Thủy cho biết.
Không chỉ tập trung nuôi dế, HTX còn đầu tư nuôi gà thịt. Mỗi tháng, HTX cung cấp ra thị trường hơn 2.000 con gà thương phẩm.
“Lợi nhuận mỗi tháng của HTX đạt hơn 40 triệu đồng. Chúng tôi dự tính tăng quy mô sản xuất từ 50 gian nuôi dế lên 100 gian và 11 trại nuôi gà lên 22 trại. Nhờ tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm nên HTX rất kỳ vọng về chặng đường phát triển sắp tới”, anh Nguyễn Chí Công nói.
HTX hiện đã tạo được việc làm ổn định cho các thành viên với thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, hỗ trợ nhiều thành viên thoát nghèo, cùng vươn lên làm giàu.
“Gia đình tôi lâu nay khó khăn, không có đất sản xuất, ai kêu gì làm nấy. Tham gia HTX, vợ tôi đã có việc làm ổn định, có thu nhập để trang trải cuộc sống. Với sự quyết tâm của hai vợ chồng, gia đình hy vọng sẽ thoát nghèo trong năm 2020 này”, ông Nguyễn Ngọc Long (thôn Tân Phú) chia sẻ.
Ông Võ Bảy - Chủ tịch Liên minh HTX Quảng Nam cho biết, tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 384 HTX, 3 Quỹ tín dụng nhân dân và 2.500 THT đang hoạt động. Kinh tế hợp tác trên địa bàn tự vận động, chuyển đổi sâu sắc, không ngừng nâng cao chất lượng. Số lượng HTX được thành lập mới luôn tăng cao, quy mô hoạt động và phạm vi đầu tư sản xuất, kinh doanh ngày càng mở rộng. Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh của các HTX, THT ngày càng được tăng cường. Việc gắn kết hoạt động kinh tế hợp tác với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực.
“Khi kinh tế tập thể tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới, OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm), đời sống của hàng nghìn lao động ngày càng được nâng cao, thay đổi bộ mặt nông thôn”, ông Bảy nói.
Tạo làn gió mới trong giảm nghèo
Chọn con đường khởi nghiệp bằng cách tiếp nối nghề truyền thống chế biến nước mắm của quê hương, anh Lê Văn Lợi - Giám đốc HTX Nông nghiệp & kinh doanh tổng hợp Cát Trắng (thôn Hòa Thượng, xã Tam Thanh, TP Tam Kỳ) đã tiếp cận, vay 800 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam để đầu tư quy trình chế biến nước mắm khép kín.
![]() |
Quy trình sản xuất khép kín giúp tăng thêm hương vị cho nước mắm truyền thống (Ảnh: TL) |
Quy trình này đã khắc phục điểm yếu của chế biến nước mắm truyền thống là bay mùi và thay đổi màu sắc từ đỏ sang sậm. Theo đó, hương vị của nước mắm Tam Thanh truyền thống được tăng thêm.
“Tôi đầu tư quy trình chế biến nước mắm theo công nghệ mới với chi phí hơn 2 tỷ đồng. Vạn sự khởi đầu nan, nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam đã tiếp sức chúng tôi rất nhiều. Cũng chính nhờ đó mà các thành viên trong HTX có cuộc sống ổn định hơn trước”, anh Lợi cho biết.
Theo ông Nguyễn Hữu Ngộ - Giám đốc Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam, nguồn vốn vay ưu đãi đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều HTX, THT mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới công nghệ, góp phần tăng doanh thu, thu nhập, tạo việc làm ổn định cho hàng nghìn lao động địa phương. Từ đó hình thành nhiều HTX, THT tiêu biểu như HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa (Đại Lộc), HTX Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Đại Lộc Đại Hiệp (Đại Lộc) báo cáo thành tích điển hình toàn quốc.
Cũng từ vốn vay ưu đãi, nhiều HTX kiểu mới tạo dựng chuỗi giá trị sản phẩm, hàng hóa chủ lực của địa phương. Trong thời gian tới, Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX Quảng Nam sẽ tổ chức hội nghị, tập huấn, hướng dẫn trình tự, thủ tục vay vốn để các HTX, THT tiếp cận, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam nhận xét: "Các mô hình kinh tế hợp tác đã thổi làn gió mới vào kinh tế địa phương, góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo. Trên cơ sở kết quả đạt được, tỉnh Quảng Nam phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 5% (không tính hộ nghèo thuộc diện chính sách bảo trợ xã hội), bình quân mỗi năm giảm từ 1,0 - 1,5%, tương ứng giảm số hộ nghèo mỗi năm từ 4.000 - 6.000 hộ nghèo".
Nhật Nam