Để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị từ sản phẩm từ lợn sạch, HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (TP. Bắc Giang) đã hợp đồng với nhà sản xuất thức ăn cung cấp nguồn thức ăn chính bằng thực phẩm hữu cơ.
Hiệu quả nhờ ứng dụng công nghệ số
HTX cũng đầu tư xây dựng nhà xưởng và áp dụng quy trình giết mổ tập trung, đóng gói và đa dạng các sản phẩm từ lợn. Cuối năm 2018, sản phẩm sạch 3S của HTX đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Bình quân mỗi ngày, HTX cung ứng ra thị trường 5 tấn các sản phẩm từ lợn như: thịt chân giò, thịt ba chỉ, thịt vai, giò nạc, xúc xích... qua hệ thống các cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị tại Bắc Giang, Bắc Ninh và Hà Nội. Ngoài ra, HTX còn triển khai bán hàng qua hệ thống thương mại điện tử khi khách hàng có yêu cầu. Điều này đang giúp HTX vẫn đảm bảo doanh thu ngay cả trong thời kỳ dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp.
![]() |
Sản xuất sạch nên sản phẩm thịt lợn của HTX Tín Nhiệm được các siêu thị, chuỗi cửa hàng bày bán và giao dịch thông qua thương mại điện tử. |
Ông Lưu Văn Nhiệm-Giám đốc HTX cho biết: “Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động kinh doanh nhưng đây cũng là cơ hội để các HTX, doanh nghiệp, tiểu thương ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh theo hướng thương mại điện tử để vượt qua thách thức. Trong bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc chắn thương mại điện tử sẽ ngày càng phát triển và dần thay thế các hình thức mua bán trực tiếp”.
HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm là một trong những HTX được tỉnh hỗ trợ trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ để phát triển sản xuất, kinh doanh. Được biết, 5 năm trở lại đây, địa phương đã hỗ trợ kinh phí cho các HTX tham gia hội chợ trong và ngoài nước với số tiền gần 1,5 tỷ đồng, bình quân 10-15 triệu đồng/HTX/lần. Nhiều HTX được hướng dẫn đăng ký mã số, mã vạch quốc gia, ghi nhãn hiệu lên bao bì sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Liên minh HTX tỉnh Bắc Giang hỗ trợ các HTX, tổ hợp tác, hộ kinh doanh cá thể hoàn thiện sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, đưa sản phẩm vào trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ trong các siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại và vận động các HTX xây dựng các trang web thương mại và đưa các sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.
Đặc biệt, trong tháng 5 này, thực hiện kế hoạch phát triển thương mại điện tử của tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, với vai trò là đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì, sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức hỗ trợ cho 15 HTX, doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ mới trong TMĐT, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số năm 2021.
Trong số các đơn vị được hỗ trợ lần này có 7 HTX gồm: HTX Dịch vụ Nông nghiệp Hằng Hiếu; HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ nông nghiệp Phì Điền; HTX Sản xuất thương mại và Dịch vụ An Phát (Lục Ngạn ); HTX Hằng Anh; HTX Nông Nghiệp "Xanh" Yên Thế; HTX Nông Nghiệp Mộc Sơn (Yên Thế); HTX Sản xuất và tiêu thụ vải sớm Phúc Hòa (Tân Yên).
Ông Nguyễn Đức Hiền, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, các đơn vị tham gia được hỗ trợ 5 triệu đồng để thực hiện ứng dụng TMĐT, các công nghệ mới, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số.
“Nội dung hỗ trợ để các HTX xây dựng bộ nhận diện thương hiệu trực tuyến như: Website, hệ thống email, fanpage trên facebook, thiết kế gian hàng, đưa sản phẩm lên sàn San24h.vn, Sendo.vn. Voso.vn và sàn Alibaba.com...”, ông Hiền nói.
Sớm phát huy hết thế mạnh
Theo ông Vũ Quang Phong, Tổng Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (Liên minh HTX Việt Nam) trong bối cảnh sản xuất hàng hóa hiện nay, nhất là tại thời điểm dịch bệnh đang diễn ra, ngoài việc các HTX liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp để nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu sản phẩm mở rộng thị trường thì việc ứng dụng TMĐT trong sản xuất kinh doanh là hết sức cần thiết.
Phải nhìn nhận một cách khách quan rằng, nhiều HTX ở Việt Nam đã xây dựng các trang web, lên sàn thương mại điện tử, lập Facebook, Fanpage giới thiệu sản phẩm, bán hàng. Một số HTX đã mạnh dạn đưa sản phẩm của mình lên các sàn giao dịch thương mại điện tử và đã cho thấy hiệu quả rõ rệt.
Tuy nhiên, đa phần mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu bán hàng đơn thuần chưa chưa tính đến việc bán hàng bền vững và thanh toán trực tuyến khi giao dịch mua bán diễn ra.
![]() |
Ứng dụng thương mại điện tử mở ra cánh cửa tiêu thụ hàng hóa cho các doanh nghiệp, HTX, nhất là thời kỳ dịch bệnh Covid-19 bùng phát như hiện nay. |
Nguyên nhân chủ yếu của việc này là do trình độ nhân sự quản lý HTX nói chung và nhân sự chuyên sâu về xúc tiến các hoạt động TMĐT ở các HTX còn yếu hoặc chưa có. Trong khi đó, hàng hóa, nông sản của 16.520 HTX nông nghiệp trong tổng số 25.454 HTX của cả nước hiện nay rất đa dạng, phong phú, đảm bảo sản xuất an toàn và chất lượng.
Sản phẩm đảm bảo chất lượng, có truy xuất nguồn gốc, sản xuất an toàn, nhưng nếu không nâng cao được chất lượng nguồn nhân lực, không ứng dụng TMĐT trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang diễn ra mạnh mẽ, gay gắt hiện nay thì việc quảng bá thương hiệu, nâng cao giá trị, mở rộng thị trường thì sản phẩm của các HTX rất khó tiêu thụ hoặc có tiêu thụ nhưng rất hạn chế.
Điều này chắc chắn sẽ dẫn đến bất lợi cho nông sản Việt Nam trên cả trị trường trong nước và quốc tế, nhất là trong bối cảnh thiên tai, dịch bệnh đang diễn ra bất thường như hạn hán, dịch bệnh Covid-19.
“Do vậy, để sản phẩm của các HTX có thể tiếp cận thị trường một cách thuận lợi nhất, ngoài việc các HTX chủ động sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng thì chính quyền địa phương, các cấp, ngành cùng đồng hành hỗ trợ bằng các phương án cụ thể như hỗ trợ về kinh phí, về khoa học kỹ thuật, nhân lực và nhất việc HTX tiếp cận được các sàn giao dịch thương mại điện tử là điều vô cùng quan trọng”, ông Phong nói.
Phạm Duy