Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đang có 3 hình thức tưới tiết kiệm nước gồm tưới phun, tưới nhỏ giọt bình thường và tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới. Các hình thức này được ứng dụng ở hầu hết các huyện, với tổng diện tích trên 230 ha, áp dụng cho các loại cây trồng như cam, bưởi, na, rau…
Tăng giá trị nhờ công nghệ cao
Xã Gia Cát đang là một trong những vùng rau chủ lực trên địa bàn huyện Cao Lộc, với tổng diện tích trên 50 ha rau màu VietGAP, hữu cơ. Nhiều mô hình nằm trên vùng đất phù sa màu mỡ ven sông Kỳ Cùng đang phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, giàu sức cạnh tranh.
![]() |
Công nghệ tưới tự động, tưới tiết kiệm mang lại nhiều lợi ích cho người nông dân (Ảnh TL). |
Trong dòng chảy phát triển chung, HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát nổi nên như một điểm sáng trong phát triển sản xuất có ứng dụng công nghệ cao, mang lại hiệu quả vượt trội trên địa bàn xã.
Ông Hoàng Văn Thuận, Giám đốc HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát, cho hay HTX hiện đang phát triển các cây trồng chủ lực, có giá trị cao như dưa chuột baby, dưa lưới, cải ngồng, măng tây…
Đầu năm 2020, được Nhà nước hỗ trợ 79 triệu đồng, HTX đối ứng 35 triệu đồng xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong nhà lưới áp dụng cho diện tích 5.500 m2. Điểm nổi bật của công nghệ tưới tiết kiệm chính là tiết kiệm nước 30 - 40% so với hình thức tưới thông thường.
“Nếu như trước đây, trên cùng một diện tích, chúng tôi phải mất 30.000 lít nước tưới thì khi áp dụng cách tưới này, chúng tôi chỉ mất khoảng 10.000 lít nước. Thời gian tưới cũng giảm hơn một nửa, tiết kiệm công lao động cho thành viên, người lao động”, ông Hoàng Văn Thuận phân tích.
Ngoài ra, khi ứng dụng tưới tiết kiệm, lượng nước được cung cấp trực tiếp tới gốc cây, giúp cây dễ dàng hấp thụ và phát triển đồng đều, năng suất tăng. Năm 2020, dù gặp phải không ít khó khăn bởi đại dịch Covid-19, doanh thu của HTX vẫn đạt trên 400 triệu đồng sau khi trừ chi phí, tăng gấp đôi so với năm 2019.
Không chỉ có HTX Gia Cát, hầu hết các hộ trồng rau trên địa bàn xã Gia Cát đang áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, thân thiện môi trường, nhiều hộ đã ứng dụng hiệu quả công nghệ cao, tưới tiết kiệm. Sản xuất sạch, chú trọng khoa học kỹ thuật giúp năng suất rau tại địa phương tăng trên 30% so với canh tác truyền thống.
Cùng với năng suất, chất lượng rau củ quả ở Gia Cát cũng được nâng lên, gây ấn tượng mạnh với các đối tác tiêu thụ, đặc biệt là các chuỗi cửa hàng, siêu thị thực phẩm uy tín. Sản phẩm rau sạch của xã mang nhãn hiệu “Rau sạch Cao Lộc” đang có mặt ở nhiều tỉnh, thành như Lạng Sơn, Hải Phòng, Hà Nội…
Đẩy mạnh nhân rộng
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Lạng Sơn, thời gian qua, các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn đang rất tích cực ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tính đến hết năm 2020, toàn tỉnh có 16 HTX và 1 doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt hệ thống tưới cho các loại cây ăn quả, rau màu.
![]() |
Mô hình nông nghiệp công nghệ cao có ứng dụng tưới tiết kiệm sẽ được thúc đẩy nhân rộng ở Lạng Sơn (Ảnh TL). |
Không chỉ có các HTX, doanh nghiệp, các hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh cũng đang chủ động đầu tư nâng tầm công nghệ, trong đó có trang bị hệ thống tưới tiết kiệm.
Đơn cử, tại xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng, khoảng 5 năm trở về trước, hầu hết người dân vẫn sử dụng phương pháp tưới nước cho cây ăn quả theo cách truyền thống, mất nhiều thời gian và sức lao động.
Đến năm 2016, từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND xã đã hỗ trợ 5 gia đình xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt. Mô hình được đầu tư cho hai loại cây kinh tế thế mạnh của xã là na và cam.
Được hỗ trợ xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm cho 0,4 ha bưởi, ông Nguyễn Văn Dũng, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, cho biết cùng với số vốn hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông đối ứng thêm 30 triệu đồng để hoàn thiện mô hình.
Với hệ thống tưới hiện đại, mỗi lần tưới, gia đình ông chỉ cần vận hành hệ thống và tưới trong thời gian 2 tiếng là xong, thay vì mất gần 5 tiếng như trước.
“Hình thức tưới này có ưu điểm vượt trội, đó là tiết kiệm nước, thời gian và nhân công, tôi cũng có nhiều thời gian làm thêm các việc khác”, ông Dũng phấn khởi nói.
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng, cho biết năm 2016, từ nguồn vốn sự nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phòng đã hỗ trợ xây dựng mô hình tưới nhỏ giọt, tưới phun mưa cho 7 hộ thuộc 2 xã Chi Lăng và xã Hòa Bình, với tổng chi phí 250 triệu đồng. Đến hết năm 2020, mô hình đã được mở rộng với tổng số 15 hộ thực hiện.
Kết quả thực tế cho thấy việc áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm góp phần tiết kiệm 25 - 30% lượng phân bón, 30 - 50% lượng nước tưới, nhân công lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất và tăng thu nhập cho các hộ dân áp dụng.
Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh nhân rộng mô hình tưới tiết kiệm, nâng cao vai trò của các HTX, doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.
Lệ Chi